1. Không quan tâm đến lượng calo trong đồ uống
Nhiều người rất chú trọng vào việc kiểm soát calo của các bữa ăn trong ngày nhưng lơ là lượng calo trong thức uống. Các thức uống như nước ngọt, trà sữa, cà phê sữa... đều có lượng calo không hề thấp. Ngay cả nước ép trái cây cũng thường chứa một lượng đường nhất định, có thể 'phá hỏng' nỗ lực giảm cân của bạn nếu tiêu thụ quá nhiều.
2. Gọi đồ ăn theo combo
Khi mua thực phẩm chế biến sẵn theo set, theo combo có thể giúp bạn tiết kiệm thêm một chút tiền nhưng đổi lại nó khiến bạn tiêu thụ lượng đồ ăn nhiều hơn so với kế hoạch. Tâm lý không muốn lãng phí đồ ăn không chỉ làm tăng lượng calo nạp vào cơ thể, còn tạo áp lực cho hệ tiêu hóa. Lâu ngày, việc này cũng khiến cơ thể dần quen với việc được tiêu thụ lượng đồ ăn lớn trong mỗi bữa, từ đó có xu hướng muốn ăn nhiều, nhanh thèm ăn hơn.
3. Tích trữ đồ ăn
Nhiều người có thói quen tích trữ đồ ăn trong nhà để không mất thời gian đi mua sắm nhiều lần. Việc này không sai, tuy nhiên, nếu bạn tích trữ toàn những món dễ gây tăng cân, kém lành mạnh cho sức khỏe thì rất khó để đạt được mục tiêu cải thiện vóc dáng. Trong trường hợp này, bạn không nhất thiết phải từ bỏ thói quen tích trữ đồ ăn nhưng hãy chọn mua những món có lợi cho vóc dáng, làn da như trái cây tươi ít đường, các loại hạt (hạnh nhân, óc chó,..), sữa chua. Cho dù thực phẩm lành mạnh đến đâu nhưng tiêu thụ với liều lượng lớn cũng không tốt. Vì vậy, tốt nhất bạn cũng nên để những món ăn vặt này xa tầm mắt, tầm với tay để không ăn uống ngoài tầm kiểm soát.
4. Thiếu hụt protein
Việc không nạp đủ lượng protein cơ thể cần cũng có thể làm gián đoạn quá trình giảm cân của bạn. Do protein là thành phần quan trọng để duy trì cơ bắp, đảm bảo sự trao đổi chất của cơ thể. Khi thiếu hụt chất này, quá trình chuyển hóa có thể bị trì trệ, gián đoạn. So với tinh bột, chất béo, để tiêu hủy protein cơ thể buộc phải sử dụng nhiều calo hơn. Bên cạnh đó, quá trình chuyển hóa protein diễn ra lâu hơn, nhờ đó bạn sẽ có cảm giác no lâu, chậm đói.
Duk Sun (Theo ETToday)