Kênh truyền hình vệ tinh Bắc Kinh từng làm phóng sự về một cô Vương, sống ở Bắc Kinh, chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Không chỉ vậy, ba người thân của cô cũng lần lượt qua đời vì bệnh ung thư. Cha của cô mất vì ung thư ruột kết, anh trai cô chết vì khối u não, chồng cô bị ung thư gan giai đoạn cuối và cô bị ung thư phổi.
Gia đình cô Vương có cuộc sống bình thường và không mắc thói quen xấu nào. Cô không biết tại sao mình lại bị ung thư. Để phát hiện nguyên do, trong chương trình, các bác sĩ đã tiến hành một số lượng lớn thí nghiệm và cuối cùng phát hiện ra chất gây ung thư mạnh "aflatoxin" trên chiếc thớt mà gia đình cô sử dụng. Chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc gia đình cô Vương lâu nay sử dụng đũa tre, thớt gỗ, trộn lẫn thức ăn sống và chín, không vệ sinh, sấy khô và thay thế thường xuyên, đã sinh ra chất độc "aflatoxin" gây ung thư.
Trên thực tế, còn nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn gây ung thư và bệnh tật trong nhà bếp. Trang Zhihu đã điểm danh một số thói quen gây hại cho sức khỏe dưới đây.
1. Dùng chung thớt cho cả thực phẩm sống và chín
Việc sử dụng chung một chiếc thớt cho cả thực phẩm sống và chín rất dễ gây lây nhiễm chéo. Bởi khi cắt thái thực phẩm sống, vi khuẩn trong thực phẩm còn sót lại trên đó, chúng cũng mang theo nhiều trứng ký sinh. Nếu sau này thớt được dùng để cắt thực phẩm đã nấu chín, vi khuẩn sẽ lây nhiễm trực tiếp vào đồ ăn. Ngay cả khi bạn tráng qua nước sôi để khử trùng trước khi sử dụng, vi khuẩn cũng không thể bị loại bỏ hoàn toàn.
2. Không bật máy hút mùi khi nấu ăn
Một số người không thích bật máy hút mùi khi nấu ăn, hoặc tắt máy hút mùi ngay sau khi nấu nướng. Thói quen nấu nướng này có thể gây hại cho bản thân và gia đình. Bởi khói nấu ăn chứa nhiều chất gây kích ứng và có hại như benzopyrene, acrolein, amoni nitrit và các chất gây ung thư khác. Khi những chất độc hại này xâm nhập vào cơ thể, chúng dễ gây ra nhiều loại bệnh về đường hô hấp, bao gồm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn và ung thư phổi. Chúng cũng có thể gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh tim.
3. Không vệ sinh nồi sau khi nấu
Nhiều người không rửa nồi hoặc chỉ tráng qua nước khi tiếp tục xào món tiếp theo để tiết kiệm thời gian. Cách này không được khuyến khích vì những chiếc nồi tưởng chừng sạch sẽ này sẽ dính dầu mỡ và cặn thức ăn trên bề mặt. Nếu đun lại ở nhiệt độ cao, chúng sẽ dễ sản sinh ra các chất gây ung thư như benzopyrene. Hơn nữa, thức ăn còn sót lại cũng sẽ bị đốt cháy, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư nhất định.
4. Tái sử dụng dầu ăn
Để tiết kiệm chi phí, một số bậc người cất giữ dầu đã chiên và tiếp tục sử dụng. Nhưng dầu được đun nóng nhiều lần ở nhiệt độ cao, sẽ tạo ra các axit béo chuyển hóa và một số sản phẩm oxy hóa dầu, sản sinh các chất gây ung thư như benzopyrene, aldehyde... Khi bạn tiếp tục sử dụng loại dầu này ở nhiệt độ cao, chất gây ung thư sẽ tăng lên đáng kể.
Đài truyền hình vệ tinh Bắc Kinh (CCTV) còn khảo sát và thử nghiệm tính an toàn của 6 loại dầu: dầu hỗn hợp, dầu đậu phộng, dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hướng dương và dầu ngô. Sau khi chiên lặp lại với mỗi loại dầu 7 lần, chúng đã được kiểm tra và phân tích. Dữ liệu thực nghiệm cho thấy nếu sử dụng dầu ăn nhiều trên ba lần thì chất gây ung thư sẽ tăng khoảng 10 lần; nếu dùng dầu ăn nhiều trên 7 lần thì chất gây ung thư sẽ tăng khoảng 30 lần.
6. Cho rau vào khi dầu đang bốc khói
Để dầu bốc khói trước khi cho rau vào là thói quen nấu nướng của nhiều thế hệ cũ. Nhưng thói quen này không tốt, vì điểm bốc khói của dầu thực vật hiện nay thường trong khoảng từ 107°C đến 180°C, trong khi điểm bốc khói của dầu thực vật tinh luyện có thể lên tới trên 200°C.
Vitamin E, phospholipid, axit béo không bão hòa... trong dầu dễ bị oxy hóa sau nhiệt độ cao. Cho thức ăn vào nồi lúc này không chỉ phá hủy chất dinh dưỡng của thực phẩm mà còn khiến protein, chất béo và carbohydrate trong thực phẩm bị biến đổi. Hơn nữa, khi nhiệt độ dầu quá cao sẽ dễ sinh ra nhiều bụi mịn PM2.5 hơn và có thể sinh ra một số chất gây ung thư.
Phần bổ sung: Nên ăn uống thế nào cho khỏe?
1. Ăn ít đồ chiên rán
Trong quá trình chiên nấu ở nhiệt độ cao, acrylamide, benzopyrene, amin dị vòng, hydrocacbon thơm đa vòng và các chất khác có hại cho sức khỏe con người có thể được tạo ra, làm tăng nguy cơ ung thư. Ăn đồ chiên rán trong thời gian dài có thể gây tổn hại cho tim, gan và các cơ quan khác.
Vì vậy, không nên thường xuyên nấu đồ chiên rán tại nhà, nên chọn những phương pháp chế biến lành mạnh hơn như hấp, hầm...
2. Ăn ít thực phẩm nhiều muối, nhiều chất béo
Thực phẩm chứa nhiều dầu và muối rất được ưa chuộng vì chúng thơm, đậm đà hơn. Tuy nhiên, thực phẩm này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan, thận, tim mạch, mạch máu não và cả ung thư. Đặc biệt tác hại đối với trẻ em ngày càng lớn và rõ ràng hơn.
Do đó, bạn nên tránh thực phẩm chứa nhiều muối và dầu. Bạn có thể tuân theo tiêu chuẩn về lượng muối và dầu ăn dưới đây để đảm bảo sức khỏe.
Lượng muối tiêu thụ hàng ngày: Không quá 6 g đối với người lớn, không quá 2 g đối với trẻ 2-3 tuổi, không quá 3 g đối với trẻ 4-6 tuổi và không quá 4 g đối với trẻ 7-10 tuổi.
Lượng chất béo tiêu thụ hàng ngày: 25-30 g đối với người lớn, 10-20 g đối với trẻ 1-3 tuổi và 20-25 g đối với trẻ 3-6 tuổi.
Hằng Trần (Theo Zhihu)