1. Lắc đầu
Nhiều bố mẹ chia sẻ rằng họ lo con mắc bệnh hay khó chịu ở tai mà cứ lắc đầu liên tục. Tuy nhiên, đây là hiện tượng bình thường trong quá trình phát triển. Bé đang tập làm chủ cơ thể của mình, tập giữ thăng bằng. Cũng có thể động tác này giúp cho bé cảm thấy bình tâm khi tập ở một mình, giống như mút tay giúp bé yên tâm. Hiện tượng này sẽ hết sau vài tháng, khi bé 4-5 tháng tuổi hoặc thậm chí là 6-10 tháng tuổi.
2. Đập đầu
Đây cũng là một hành động bình thường trong những năm đầu đời của trẻ. Bố mẹ đừng lo trẻ bị chấn thương khi làm như vậy vì khả năng này là khó xảy ra. Cũng giống như hành động lắc đầu bên trên, cách này giúp trẻ tự học để bình tâm hay gây sự chú ý với bố mẹ, muốn bố mẹ quan tâm tới mình. Một số trẻ giữ thói quen này tới khi 3 tuổi mới hết.
3. Vò đầu, vò tai
Hành động này thường thấy ở trẻ đang tập ngồi. Nó giống như một trò chơi của trẻ những lúc ở một mình hay đùa giỡn với người khác.
4. Mút tay và gặm đồ chơi
Trẻ mút tay ban đầu có thể do đói hay sợ cảm giác xa mẹ và lâu dần thành thói quen. Mút tay sẽ làm bé bú ít hơn vì cảm giác no giả. Vì thế, ngay lần đầu tiên thấy bé mút tay, bố mẹ phải xem có phải bé bị đói không, có bị ở một mình (xa mẹ) lâu không. Để tập cho bé bỏ thói quen này, bố mẹ lấy ta con ra khỏi miệng và cho bú hoặc cho bé cầm vật gì đó hơi to một chút rồi ôm ấp, vỗ về bé. Còn các phản xạ như gặm đồ chơi, gặm ngón chân... là cách để bé tìm hiểu về vật lạ.
Song Giang