1. Uống kháng sinh không tiêm phòng được
Chỉ một, hai loại là ngoại lệ hiếm hoi, còn hầu hết kháng sinh không ảnh hưởng tới bất kỳ vaccine nào.
2. Bé bị ốm không tiêm phòng được
Điều này không hoàn toàn chính xác. Nếu bé bị bệnh nhẹ (cảm ho, sổ mũi, viêm tai giữa, tiêu chảy nhẹ), không sốt hoặc chỉ ấm đầu là có thể tiêm phòng được. Đặc biệt, các trẻ bị bệnh mãn tính (gan, phổi, thận, tim...) lại càng cần được tiêm phòng.
3. Bé mới khỏi ốm không tiêm phòng được
Giai đoạn bệnh phục hồi không ảnh hưởng gì tới hiệu quả của vaccine nên cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm khi cho bé đi tiêm phòng.
4. Bé sinh non hoặc nhẹ cân không tiêm phòng được
Lịch tiêm phòng của bé được tính theo độ tuổi, không theo cân nặng. Trẻ sơ sinh dưới 2 kg vẫn tiêm phòng viêm gan B như bình thường, dù hiệu quả kém hơn. Các bé suy dinh dưỡng lại càng cần được tiêm phòng.
5. Dị ứng không tiêm phòng được
Trẻ bị dị ứng nặng với các thành phần của vaccine thì không tiêm được. Còn với các trường hợp bị dị ứng nhẹ hoặc dị ứng với những thứ không có trong vaccine (dị ứng thực phẩm) thì vẫn tiêm được.
6. Không tiêm vaccine 'sống' cùng với vaccine 'bất hoạt'
Điều này không đúng. Các vaccine 'sống' (lao, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu) có thể tiêm cùng lúc hoặc cách bao lâu cũng được với vaccine 'bất hoạt' (các loại còn lại). Vì thế, nếu được hẹn lịch tiêm hai loại này cách nhau một tuần, 2 tuần hay một tháng đều là bình thường.
7. Không tiêm cùng lúc hai loại vaccine 'sống'
Đây cũng là một quan niệm sai của các bậc cha mẹ. Nếu là một vaccine "sống" (Sởi, quai bị, rubella) với một vaccine "sống" khác (thủy đậu) thì có thể tiêm cùng lúc hoặc cách ít nhất một tháng.
8. Tiêm cùng lúc là không có thời gian gián đoạn giữa hai mũi vaccine
Mặc dù gọi là tiêm cùng lúc nhưng hai mũi vaccine phải cách nhau 30 phút theo dõi. Cách này có thuận lợi là bé ở xa không phải đi lại nhiều, tăng khả năng bảo vệ nhanh với nhiều bệnh (như khi có dịch, đi du lịch hay các bé tiêm muộn so với lịch). Còn bất lợi là bé có thể đau hoặc sốt nhiều hơn.
Hà Nhi