Dù thời tiết nóng hay lạnh, đắp mặt nạ vẫn là một trong những bước nên thêm vào chu trình chăm sóc da. Ngoài mục đích chính là cung cấp dưỡng chất để nuôi dưỡng làn da, đây cũng là cách thư giãn được các chị em yêu thích. Theo Woman, để tối đa hiệu quả của mặt nạ cũng như không làm lãng phí tiền bạc, chị em nên nắm 4 quy tắc cơ bản sau.
1. Có cần rửa mặt sau khi đắp mặt nạ hay không?
Nhiều người cho rằng dưỡng chất còn đọng lại trên da sau khi đắp mặt nạ, nếu rửa mặt sẽ gây lãng phí. Tuy nhiên, trên thực tế, tinh chất có trong mặt nạ được thiết kế để hấp thụ trong vòng 10 phút. Thành phần còn dính lại ở bề mặt da thường là dạng đặc hơn, khó thẩm thấu. Trường hợp còn nhiều tinh chất dính ở bề mặt da, bạn chỉ cần rửa sạch lại bằng nước. Bên cạnh đó, những người có làn da dầu, da dễ nổi mụn nên rửa mặt lại sau khi đắp mặt nạ để hạn chế nguy cơ bít tắc lỗ chân lông, sản sinh mụn.
2. Thời gian đắp mặt nạ
Các bác sĩ da liễu thường khuyến khích đắp mặt nạ khoảng 10-15 phút mỗi lần, nếu để quá lâu, vải mặt nạ sẽ hấp thụ độ ẩm trên mặt, gây ra tác dụng ngược. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý lựa chọn chất liệu mặt nạ, ưu tiên sản phẩm có cấu tạo sợi sinh học, hydrogel... để bảo toàn cũng như giúp thành phần dưỡng ẩm thẩm thấu sang da tốt hơn.
3. Tần suất đắp mặt nạ
Khuyến cáo chung là nên đắp từ 2 đến 3 lần một tuần, vì mặt nạ thường chứa nồng độ tinh chất đậm đặc, nếu lạm dụng có thể khiến da bị quá tải, ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da tự nhiên. Trường hợp sử dụng mặt nạ hàng ngày, bạn nên chọn sản phẩm có đặc tính dịu nhẹ với công dụng chính là cấp ẩm và cần lắng nghe làn da để nhận biết đâu là cách chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp nhất.
4. Thời điểm đắp mặt nạ
Thông thường, 30 phút sau khi tắm hoặc rửa mặt vào buổi tối được cho là thời điểm lý tưởng để đắp mặt nạ. Lúc này, lỗ chân lông có xu hướng mở, giúp quá trình trao đổi chất diễn ra tốt, tốc độ hấp thụ và tuần hoàn của da tốt hơn, nhờ đó đưa dưỡng chất thẩm thấu vào da hiệu quả hơn.
Duk Sun