Da có nhiệm vụ bao bọc, che chở cơ thể con người khỏi các tác động từ bên ngoài. Da thường khá mỏng nên dễ bị tổn thương bởi nhiều nguyên nhân như ngã xe, bỏng bô, bị vật sắc ngọn cứa... Nếu gặp phải những vết thương nhỏ, nhiều chị em thường không để ý và sơ cứu qua loa. Điều này khiến vết thương không được xử lý triệt để, có thể tạo nên biến chứng nhiễm trùng, chậm lành, thậm chí để lại sẹo vĩnh viễn trên da.
Sẹo tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng khiến nhiều phụ nữ thiếu tự tin khi diện các trang phục yêu thích như váy, áo sát nách, quần short… Một số người còn tốn không ít tiền thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ xóa sẹo mà vẫn không lấy lại được làn da khỏe mạnh bình thường. Dưới đây là 3 sai lầm chị em cần lưu ý để tránh sẹo khi xử lý vết thương trên da.
Rửa vết thương với oxy già hoặc cồn
Oxy già là chất oxy hóa mạnh, giúp tiêu diệt các vi khuẩn kỵ khí (những vi khuẩn cần điều kiện ít oxy để phát triển). Cồn giúp thủy phân các protein và chất béo cấu tạo vi khuẩn. Nhiều người tin rằng, sơ cứu vết thương bằng một trong hai loại dung dịch này sẽ giúp vết thương sạch sẽ, chóng lành. Tuy nhiên, bên cạnh việc tiêu diệt vi khuẩn, oxy già và cồn cũng tiêu diệt bạch cầu, tiểu cầu và có thể gây chết mô hạt, để lại sẹo vĩnh viễn.
Do vậy, thay vì rửa vết thương bằng oxy già hay cồn, chị em nên sử dụng nước sạch hoặc nước muối sinh lý.
Không sát trùng vết thương
Một số chị em khi bị đứt tay thường dùng giấy ăn, khăn ướt bịt vết thương để cầm máu. Một số người bị trầy xước chân tay lại chỉ rửa qua loa dưới vòi nước mà không sát trùng bằng nước muối sinh lý và bôi thuốc bao phủ vết thương.
Những cách xử lý này không những không làm sạch bụi bặm bám vào da mà còn tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công vết thương dẫn đến nhiễm trùng.
Để vết thương tiếp xúc với môi trường bên ngoài
Nhiều người cho rằng, việc băng bó hay dán miếng urgo lên vết thương là không cần thiết vì có thể gây bí bách, mưng mủ. Thực tế, trong không khí và ngay trên vùng da xung quanh thường có nhiều bụi bặm, vi khuẩn có thể khiến những tổn thương trên da bị nhiễm trùng nặng hơn.
Theo các chuyên gia y tế, vết thương sẽ lành nhanh hơn trong điều kiện ẩm. Do vậy, việc băng bó và bôi thuốc vừa giúp bảo vệ vết thương khỏi những yếu tố bất lợi từ môi trường bên ngoài; vừa tạo điều kiện cho các tế bào tái sinh, miệng vết thương nhanh khép lại.
Các bước cơ bản để xử lý vết thương
Để sẹo không có cơ hội hình thành, chị em nên xử lý vết thương theo 3 bước sau:
- Làm sạch tạm thời vết thương dưới vòi nước chảy bằng xà bông, với vết bỏng cần làm mát lâu hơn (15-20 phút để làm dịu cảm giác bỏng rát).
- Dùng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc dung dịch Povidon 10% (dung dịch chứa Iod) sát trùng lại vết thương.
- Bôi gel trị sẹo lên vết thương, đắp băng gạc vô trùng và dùng băng keo y tế cố định lại. Thuốc trị sẹo dạng gel sử dụng đơn giản, có thể bôi trực tiếp lên vết thương và không gây bết dính trên da. Cụ thể, sau khi vệ sinh sạch sẽ vết thương, bạn thoa một lớp gel mỏng lên da rồi băng bó lại và thay băng một lần mỗi ngày. Thực hành đều đặn, làn da phái đẹp sẽ được hồi sinh, trở lại nguyên trạng mịn màng, khuyết điểm.
Thu Ngân