Bánh canh cá lóc
Đây là món ăn phổ biến ở khu vực 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Nguyên liệu chính là cá lóc nhưng tùy vào từng nơi mà món ăn có cách chế biến và hương vị khác nhau làm nên nét đặc trưng riêng của mỗi địa phương. Không phải ngẫu nhiên mà cá lóc trở thành nguyên liệu chính của món ăn giản dị nhưng đậm đà hương vị miền Trung. Cá lóc có tính hàn, ăn vào có tác dụng mát gan, thanh nhiệt, rất tốt cho sức khỏe của người dân ở vùng đất quanh năm khô hạn và đầy nắng gió này.
Ngày xưa, để nấu món ăn này nhất thiết phải là cá lóc đồng vì thịt cá chắc, ngọt và thơm nên rất được ưa thích. Hiện nay thì cá lóc đồng đã không còn, chủ yếu là cá nuôi, nên thịt cá thường bở và không có vị ngọt tự nhiên. Tuy nhiên, cho dù là cá đồng hay cá nuôi thì điều kiện tiên quyết là cá phải còn tươi sống, có như vậy khi nấu chín, thịt cá có màu trắng tinh mà không có mùi tanh. Cá sau khi làm sạch, luộc chín. Thịt cá được lóc hết xương, để riêng khi ăn mới cho vào bát bánh canh. Nước luộc cá có vị ngọt thanh được người dân sử dụng để nấu nước dùng.
Sợi bánh canh được làm từ hai nguyên liệu chính là bột gạo hoặc bột lọc. Tùy vào cách nấu mà cho ra các thành phẩm khác nhau, như bánh canh bột gạo với nước dùng trong; bánh canh bột gạo được nấu sánh hay bánh canh bột lọc trong suốt hơi dai... không chỉ ngon miệng mà còn đem lại sự thú vị cho người ăn. Ngoài ra, khi ăn bánh canh cá lóc, người dân miền Trung luôn có một đĩa rau sống thái nhỏ ăn kèm, vừa có tác dụng thanh mát lại vừa giúp người ăn đỡ ngấy khi thưởng thức.
Địa chỉ dành cho bạn: Bánh canh cá lóc - 27bis Nguyên Hồng, phường 1, quận Gò Vấp (quán bán từ 15h hằng ngày); quán Hiếu Thảo - bên cạnh trường PTTH Nguyễn Hữu Huân, đường Bác Ái, quận Thủ Đức.
Bánh canh hẹ Phú Yên
Món ăn với một màu xanh mướt của hẹ phủ kín bề mặt là đặc trưng riêng biệt chỉ có trong món bánh canh hẹ của người Phú Yên. Cách chế biến món ăn này không có gì khác so với món bánh canh chả cá của người miền Trung. Sợi bánh canh cũng được làm từ bột gạo, mềm nhưng khi nấu không bị gẫy, dai và không bở. Chả cá được làm từ các loại cá biển có nhiều ở đây như cá mối, cá cờ, cá nhồng... Thịt cá được giã nhuyễn, nặn thành từng miếng to, dày, hấp chín rồi chiên vàng.
Là món ăn dân dã, nhưng bánh canh hẹ gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người dân ở đây. Không chỉ vậy, những khách phương xa khi đến thăm Phú Yên, nếu được một lần thưởng thức thì khó có thể quên được cái vị thơm nồng của hẹ. Để rồi mỗi khi bất giác có ai nhắc đến, lại thấy như thoang thoảng hương vị thơm nồng của hẹ đâu đây.
Ở Sài Gòn, bạn có thể ghé quán Bánh Bèo Quơ - 402/39 Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3, TP HCM để thưởng thức món ăn này.
Bánh canh chả cá
Đây là món ăn phổ biến ở các tỉnh Duyên hải miền Trung từ Đà Nẵng kéo dài đến Ninh Thuận. Một bát bánh canh bốc khói, những lát chả chiên vàng ươm trên bề mặt là điểm chung của món ăn này. Chả cá là nguyên liệu chính, làm nên sự hấp dẫn cho món ăn. Tùy vào địa phương, chả cá được làm từ các loại cá khác nhau như cá cờ, cá thu, cá mối, cá chỉ vàng cá nhồng...
Để có những lát chả cá vàng ươm, thơm ngon, người bán phải trải qua khá nhiều giai đoạn. Đầu tiên phải lựa chọn cá tươi, làm sạch, lóc hết xương, nạo lấy phần thịt cá. Cho hành, tiêu, các loại gia vị như đường, muối vào cối giã nhuyễn, sau đó cho phần thịt cá vào, giã liên tục cho đến khi thịt cá thật nhuyễn, không bị bở là được. Phần nguyên liệu sau khi làm xong có thể vo viên hay làm thành từng lát mỏng nhỏ và chiên vàng, cũng có thể đem hấp chín. Tuy nhiên, chả cá chiên hay hấp thì khi ăn, thực khách vẫn cảm nhận được cái dai, mềm, vị ngọt của thịt cá, cái đậm đà của món ăn khi kèm với chén nước chấm tương ớt.
Trong một buổi sáng đẹp trời hay buổi chiều lộng gió, ghé vào quán cóc ven đường gọi một tô bánh canh chả cá rồi thưởng thức. Bạn sẽ cảm nhận cái thơm của hành phi, cái vị ngọt thanh của nước lèo, chấm lát chả cá vào chén tương rồi cho vào miệng, thịt cá mềm, dai, tương ớt cay và đậm đà làm cho thực khách vừa ăn vừa phải xuýt xoa nhưng lại rất ngon miệng.
Địa chỉ dành cho bạn: quán bánh canh Hiền - 187E Hoàng Hoa Thám, phường 7, quận Bình Thạnh, TP HCM.
Huấn Phan