Thoạt nhìn qua, món ăn của người miền Tây không có gì đặc biệt, chỉ đơn giản với sợi bánh canh to, thịt vịt thái lát cùng nước dùng trong vắt. Đơn giản là thế, nhưng chỉ khi thưởng thức, thực khách mới có thể cảm nhận được hết cái vị thanh ngọt của nước dùng, thịt vịt mềm ngọt đậm đà rất vừa miệng.
Sợi bánh được làm từ bột gạo, to, khi nấu chín có màu trắng trong, mềm nhưng không bở. Ngoài sợi bánh, thịt vịt và nước dùng chính là những yếu tố cộng hưởng một cách hài hòa giữa hương và vị đem đến sự hấp dẫn cho món ăn.
Vịt được chọn để chế biến món ăn này là loại vịt cỏ được thả rong trên nhưng cánh đồng bạt ngàn ở miền Tây. Chính vì điều đó nên vịt ở đây cho thịt săn chắc, mềm, ngọt và không có mỡ. Vịt sau khi làm sạch, được chà xát qua với rượu và gừng trước khi luộc chín. Nhờ vậy nên khi ăn, thịt vịt có hương thơm thoang thoảng của gừng. Nước luộc vịt được đun sôi, nêm lại gia vị vừa ăn để làm nước dùng. Vì vậy, nước dùng tuy trong, không có màu vàng hấp dẫn như các món bánh canh khác, nhưng lại cho người ăn vị ngọt dịu khi thưởng thức.
Có hai cách để nấu món ăn này tùy theo từng quán. Có người cho sợi bánh vào nồi nấu chung với nước dùng, nhưng có nơi lại luộc chín sợi bánh riêng trước khi chế biến. Khi có thực khách, sợi bánh được cho vào bát, bên trên là ít thịt vịt, hành phi, rau mùi, chan ngập nước dùng rồi mang ra cho thực khách.
Khi ăn bánh canh vịt không thể thiếu chén nước mắm gừng. Tùy theo khẩu vị hoặc ý thích mà thực khách có thể nêm vào bát một chút mắm gừng cho nước dùng thêm phần đậm đà, hoặc để chấm kèm với thịt vịt. Vào những buổi sáng mát trời hay buổi chiều se lạnh, bát bánh canh vịt bốc khói nghi ngút là món ăn ngon mà khó có thể cưỡng lại được.
Địa chỉ dành cho bạn: Quán bánh canh vịt - 606 - 606 Sư Vạn Hạnh, phường 10, quận 10, TP HCM. Quán bán từ 7h đến 14h và từ 16h đến 22h hàng ngày. Mỗi phần bánh canh vịt có giá 30.000 đồng.
Huấn Phan