
Ảnh: Pinterest
Nhiều người thấy việc tiết kiệm tiền rất khó khăn, như thể họ phải thắt lưng buộc bụng và hy sinh niềm vui trong cuộc sống. Nhưng nếu tiết kiệm tiền là một chuyện đơn giản và có thể được đưa vào cuộc sống hàng ngày thì sao?
Có thể trước nay, bạn chưa tích lũy được không phải vì chưa cố gắng đủ mà do không tìm được phương pháp phù hợp với mình. Bài viết này giới thiệu cho ba phương pháp tiết kiệm giúp bạn tích lũy được tiền mà hầu như không cần thay đổi gì nhiều.
1. Coi khoản tiết kiệm là một hóa đơn phải trả
Chúng ta thường thanh toán các hóa đơn và chi phí trước, sau đó mới tính đến việc tiết kiệm số tiền còn lại. Nhưng cách tiếp cận này có tác dụng ngược lại. Phương pháp này yêu cầu bạn phải coi khoản tiết kiệm là "hóa đơn" đầu tiên và quan trọng nhất phải trả mỗi tháng. Đây không chỉ là một mẹo quản lý tiền bạc mà còn là sự thay đổi tư duy - ưu tiên và đầu tư cho bản thân trong tương lai.
Nó rất dễ vận hành. Khi nhận được lương hoặc thu nhập khác, hãy ngay lập tức chuyển một số tiền cố định hoặc một tỷ lệ phần trăm nhất định vào tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư chuyên dụng, sau đó giải quyết các hóa đơn khác và chi phí hàng ngày. Số tiền này có thể được dùng để lập quỹ khẩn cấp, chuẩn bị cho việc nghỉ hưu hoặc những khoản chi tiêu lớn như mua nhà, ôtô. Bạn có thể đặt một số tiền cố định, chẳng hạn như tiết kiệm một triệu đồng, hoặc 10% lương hàng tháng, tùy tình hình.
Một khi phần tiết kiệm được lấy đi, bạn sẽ tự nhiên điều chỉnh thói quen chi tiêu dựa trên số tiền còn lại. Vì việc tiết kiệm được hoàn tất vào đầu tháng nên cuối tháng, bạn sẽ không còn cảm giác mất mát, hụt hẫng vì không dư được đồng nào.
2. Lập ngân sách 50/30/20
Nếu bạn nghĩ việc lập ngân sách chi tiết quá phức tạp và khó khăn, quy tắc 50/30/20 có thể là một cách hữu ích. Quy tắc này, được phổ biến bởi Thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Warren, ủng hộ việc chia thu nhập sau thuế (là số tiền bạn thực sự mang về nhà) thành ba loại.
50% cho Chi phí cần thiết: Đây là khoản để duy trì cuộc sống và công việc. Nó bao gồm tiền thuê nhà hoặc thế chấp, thực phẩm cơ bản (đồ tạp hóa tại siêu thị), tiền nước, điện, gas và internet, phí đi lại (vé tháng, gas), phí bảo hiểm, chi phí chăm sóc sức khỏe và số tiền nợ tối thiểu phải trả.
30% cho Mong muốn: Số tiền này có thể được sử dụng để cải thiện chất lượng cuộc sống và thỏa mãn mong muốn cá nhân, nhưng không cấp thiết. Ví dụ, ăn tối bên ngoài, đi xem phim, đi du lịch nghỉ mát, mua quần áo mới (không cần thiết), nâng cấp sản phẩm điện tử, chi tiêu cho sở thích, thẻ thành viên phòng tập thể dục...
20% cho Tiết kiệm và Trả nợ: Phần này dùng để đầu tư cho tương lai và xây dựng quỹ dự phòng. Nó bao gồm tiền cho quỹ khẩn cấp, tiết kiệm cho hưu trí (như trong tài khoản lương hưu), đầu tư và trả các khoản nợ bổ sung vượt quá mức thanh toán tối thiểu.
Ưu điểm lớn nhất của quy tắc này là đơn giản và rõ ràng. Nó không khiến bạn cảm thấy bị hạn chế như một ngân sách cực kỳ chặt chẽ, vì đã dành riêng 30% ví tiền để tận hưởng cuộc sống.
3. Thử thách tiết kiệm

Ảnh: Pinterest
Đây là cách biến việc tiết kiệm tiền thành một trò chơi, tăng cảm giác tham gia và động lực vào quá trình tích lũy. Những thử thách phổ biến bao gồm tiết kiệm 52 tuần, tuần/tháng không chi tiêu...
Thử thách 52 tuần có quy tắc rất đơn giản: tiết kiệm một nghìn đồng tuần đầu tiên, 2 nghìn đồng cho tuần thứ hai và cứ như vậy cho đến khi bạn tiết kiệm được 52 nghìn đồng cho tuần thứ 52. Hoặc bạn có thể thử thách ngược. Ví dụ, tiết kiệm 52 nghìn đồng trong tuần đầu tiên, 51 nghìn đồng trong tuần thứ hai và một nghìn đồng cho tuần cuối cùng.
Thử thách số tiền cố định: Nếu việc tiết kiệm một số tiền khác nhau mỗi tuần khiến bạn thấy phiền, bạn có thể tính toán số tiền trung bình. Sau đó gửi số tiền cố định này vào tài khoản tiết kiệm mỗi tuần.
Thử thách không chi tiêu: Chọn một khoảng thời gian (chẳng hạn như cuối tuần, một tuần hoặc thậm chí một tháng) mà bạn không chi tiêu thêm bất kỳ khoản tiền nào ngoại trừ những chi phí thực sự cần thiết (như tiền thuê nhà, tiện ích, bữa ăn cơ bản và phương tiện đi lại). Điều này có nghĩa là không ăn ngoài, không mua quần áo mới, không giải trí...
Các thử thách thú vị khác gồm phong bì 100 USD (chuẩn bị 100 phong bì, đánh số từ 1 đến 100, rút ngẫu nhiên hai phong bì mỗi tuần và gửi số tiền được đánh số tương ứng), thử thách tiết kiệm thời tiết (tiết kiệm tiền mỗi ngày dựa trên nhiệt độ trong ngày)... Cốt lõi của những thử thách này là làm cho việc tiết kiệm bớt nhàm chán thông qua các quy tắc trò chơi.
Tiết kiệm tiền không khó. Bằng cách áp dụng các phương pháp đơn giản, kết hợp tâm lý học và công nghệ, ai cũng có thể bắt đầu tích lũy tài sản và xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai. Chìa khóa là sự kiên trì. Dù chỉ tiết kiệm một ít mỗi tuần, số tiền đó sẽ tăng lên đáng kể theo thời gian. Hãy kiên nhẫn!
>> Xem thêm 10 việc giúp bạn thoát cảnh 'tiền tháng nào, tiêu hết tháng đó'
Hằng Trần (Theo Girl Style)