Khoảng 26 triệu người đã nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong vòng 5 tuần qua ở Mỹ, kể từ khi dịch bệnh khiến hàng triệu người sử dụng lao động phải ngừng kinh doanh. Theo thống kê cứ 6 lao động Mỹ thì có một người đã mất việc, con số cao chưa từng thấy. Các chuyên gia cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 4 có thể lên tới 20%.
Việc cắt giảm việc làm đã khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái thập niên 1930. Một số nhà kinh tế ước tính tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong năm nay sẽ giảm một nửa so với cuộc khủng hoảng năm 2008.

Dòng người xếp hàng làm đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Los Angeles giữa tháng ba. Ảnh: AP.
Hầu hết nhà kinh tế dự đoán các công ty sẽ ngừng tuyển dụng trong một vài tháng và mức tăng nhu cầu tuyển dụng vào cuối năm cũng không đáng kể.
Những thiệt hại về kinh tế bởi lệnh phong tỏa ở Mỹ đã dẫn tới các cuộc biểu tình giận dữ tại thủ phủ một số bang, đám đông yêu cầu chính quyền địa phương cho phép hoạt động kinh doanh trở lại. Một số thống đốc bang bắt đầu nới lỏng các hạn chế với người dân, bất chấp cảnh báo từ các chuyên gia y tế rằng còn quá sớm để mở cửa trở lại nền kinh tế khi đại dịch chưa được khống chế.
Bang Georgia đã cho phép phòng gym, tiệm tóc, sàn bowling mở cửa trở lại, còn bang Texas cho phép các công viên hoạt động. Tuy nhiên, những hoạt động đó sẽ không dẫn tới nhu cầu tuyển dụng, trong bối cảnh nhiều người vẫn thận trọng khi quyết định ra khỏi nhà.
Hầu hết người dân đều ủng hộ quy định phong tỏa, và tin sẽ không an toàn nếu nới lỏng cách ly xã hội sớm. Nhiều doanh nghiệp nhỏ bắt buộc phải sa thải nhân viên do bế tắc trong việc tiếp cận các khoản vay từ chương trình trợ giúp của chính phủ.
Hiện tại số người nhận trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đang là 16 triệu người, vượt xa con số 12 triệu người vào năm 2010 sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Gần như tất cả các ngành kinh doanh ở Mỹ đều cắt giảm lao động, trong đó ngành nhà hàng và khách sạn cắt giảm nhiều nhất với 4 triệu nhân viên, chiếm một phần ba số người đang làm việc trong ngành.
Tuy nhiên tại nhiều bang ở Mỹ, người lao động mất việc đang gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký nhận trợ cấp. Trong số đó có hàng triệu lao động tự do, lao động theo thời vụ và lao động hợp đồng ngắn hạn và những tiểu thương.
"Đây là một cú sốc thực sự đối với nhiều gia đình và doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ", Aaron Sojourner, một nhà kinh tế học tại Đại học Minnesota, nhận xét. "Nó nằm ngoài tầm kiểm soát và không có lỗi của riêng họ".
California là bang có số người xin trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất với 534.000 hồ sơ, tiếp theo là Florida với 505.000 hồ sơ.
Khi chính phủ Mỹ công bố số liệu thất nghiệp của tháng tư vào ngày 8/5, các nhà kinh tế cho rằng con số có thể tiếp tục tăng lên. JP Morgan dự đoán tổng cộng 25 triệu việc làm ở Mỹ sẽ biến mất trong cuộc khủng hoảng này, gần gấp 3 lần số người thất nghiệp trong cuộc Đại suy thoái (1929-1933).
Sơn Nam (Theo AP)