
Với ông Tuấn, khi ghép, bức tranh phải thể hiện được hết cốt cách của Bác mới hạ bút. Ảnh: Nguyễn Ngoan.
Trong căn phòng 15 m2 đầy ắp các tác phẩm tranh ghép và hàng trăm nghìn con tem các loại, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn (65 tuổi) đang tỉ mẫn cắt từng con tem nhỏ để hoàn thành bức tranh "Bác đang cùng chúng cháu hành quân", kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thỉnh thoảng, người họa sĩ già lấy tay lau mồ hôi, căng mắt căn chỉnh từng vị trí để tranh có hồn. Ông Tuấn không lắp điều hòa, cũng không mở quạt vì sợ làm tem bay hoặc keo dán nhanh khô khiến khó bóc ra khi cần sửa.
Năm 1981, họa sĩ Tuấn tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội. Vì nhiều lý do, ông từng định bỏ nghề. Trong lúc chưa xác định rõ hướng đi cho nghề nghiệp của mình, ông được nhận vào làm mảng vẽ, thiết kế tại Công ty Tem (nay là Ban Tem bưu chính thuộc Tổng công ty Bưu điện VN). Thời ấy, tem thư được in với số lượng rất lớn để đáp ứng nhu cầu trao đổi thư từ của người dân. Tiếc những con tem đã hết kỳ hạn cung ứng tại bưu điện, nhà in bị đem đi tiêu hủy, năm 1990, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn nảy ra ý tưởng ghép tranh từ tem.
Ông bắt đầu làm tranh tem về Bác Hồ từ năm 1995. Tận dụng những con tem hết hạn hay in lỗi, bằng sự khéo léo và sáng tạo, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn đã cho ra đời những tác phẩm tranh tem độc đáo. Họa sĩ Tuấn cho biết tranh ghép tem là một loại hình nghệ thuật khó, đòi hỏi người họa sĩ phải cần cù và kiên nhẫn trong từng công đoạn.

Từng con tem được ông Tuấn lựa chọn kỹ càng trước khi sử dụng. Ảnh: Nguyễn Ngoan.
Không giống tranh vẽ, tranh ghép tem được làm dựa trên hình phóng to những bức ảnh tư liệu về Bác. Trước đây chưa có máy phóng, họa sĩ phải tự phóng bằng tay, có những bức tranh to 1-2 m, nên gặp nhiều khó khăn. Tranh tem không thể pha trộn để cho ra màu ưng ý. Họa sĩ phải phụ thuộc vào màu sắc tem được cung cấp, cắt dán sao cho phù hợp nhất, tạo ra các khoảng sáng tối đúng như bản gốc mà không sử dụng loại giấy báo khác.
Kích thước mỗi con tem vốn đã nhỏ, nhưng không phải các phần đều được sử dụng. May mắn sẽ lấy được cả con tem để làm nền, nhưng có con tem chỉ lấy được một mẫu bằng hạt gạo để dán vào tranh. Trung bình mỗi bức tranh, họa sĩ Đỗ Tuấn dùng tới 1.000 đến 3.000 con tem mới hoàn thành.
Tranh tem của họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn đa dạng, từ chân dung đến phong cảnh, nhưng sáng tạo về Bác Hồ vẫn là đề tài được ông tâm đắc nhất. "Mỗi lần có đặt hàng làm tranh của Bác, tôi đều phải đến tận nơi để lựa chọn tem, màu sắc cho phù hợp. Tem được công ty bưu chính cấp, nhưng không phải loại nào cũng phù hợp để làm tranh, nhất là tranh chân dung Bác", ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, có rất nhiều loại tem, tem hình Bác, hình người, hình động vật... Tranh ghép phong cảnh có thể dễ dãi hơn trong việc sử dụng tem, nhưng khi làm tranh về Bác, người họa sĩ phải vô cùng tinh tế, không thể sử dụng phần cắt tem động vật, tem có chữ nước ngoài. Đối với những con tem hình Bác Hồ, ông cũng không thể cắt để dán lên tranh, chỉ tận dụng để làm nền cho bức tranh. Khi dán tem, ông luôn phải để ý hình tem trong tranh không để bị ngược. Điểm khó thể hiện nhất khi làm tranh ghép tem về Bác là chi tiết đôi mắt và vầng trán. Nếu làm không tốt, tranh sẽ không thể hiện trọn vẹn được phong thái, cốt cách giản dị, thanh cao của Người.
Sau khi chọn được màu sắc, loại tem, công đoạn cắt dán luôn mất nhiều thời gian của người họa sĩ. Độ cắt của con tem phụ thuộc vào kích cỡ của bức tranh, tranh càng nhỏ thì diện tích cắt càng bé đến từng milimet. Mỗi chi tiết trên bức tranh không đơn giản dán một lớp tem mà đạt yêu cầu, nhiều mảng sáng tối phải dán đến hai ba lớp, thậm chí lột đi dán lại nhiều lần mới cho ra được thần thái của Bác.
"Làm tranh phải tùy thuộc vào màu tem đậm hay nhạt để điều chỉnh mảng màu xung quanh", họa sĩ Tuấn chia sẻ.

Mỗi chi tiết khi đặt dán đều được họa sĩ Tuấn căn chỉnh cẩn thận để tác phẩm được chỉnh chu nhất. Ảnh: Nguyễn Ngoan.
Để làm được tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, họa sĩ Đố Tuấn phải tham khảo nhiều nguồn tư liệu, thậm chí đi thăm lăng Bác, phủ chủ tịch, thức đêm nghiên cứu từng bức ảnh tư liệu trắng đen.
"Họa sĩ vẽ Bác không phải ai cũng được gặp Bác, tôi cũng vậy, nhưng người nhận xét tranh thì ai cũng có thể đánh giá giống hay không. Tôi làm một bức tranh đến khi nhìn vào phải thấy thỏa mãn mới được kết thúc", ông Tuấn nói.
Những con tem được làm từ giấy nên màu mực không bền, dễ bị bạc theo thời gian. Vì thế, mỗi bức tranh khi hoàn thành sẽ được phun lên một lớp Epoxi, tạo thành lớp nhựa trong suốt giúp tranh bền màu và sáng đẹp hơn.
Họa sĩ Lệnh Tuấn đã ghép hơn 1.000 bức tranh tem về đề tài Bác Hồ, gồm một số tác phẩm nổi bật: Hồ Chủ tịch quan sát trận địa, Hồ Chủ tịch làm việc ở vườn Chủ tịch phủ, Bác Hồ đọc báo, Cờ đỏ búa liềm, Bác cùng chúng cháu hành quân, Chiến thắng Điện Biên... Bức to nhất 2 m và mất cả tháng mới hoàn thành.
"Đối với những bức tranh nhỏ, tôi chỉ mất một tuần, tranh to thì lâu hơn, còn tùy thuộc vào cảm hứng sáng tác", họa sĩ Tuấn chia sẻ.
Dù đã nghỉ hưu, ông Tuấn vẫn làm thêm cho công ty tem. Tay đã yếu và mắt không còn tinh anh nhưng ông vẫn nhiều đêm thức trắng cho những tác phẩm của mình.
Nguyễn Ngoan