Kimberly Van Der Beek, vợ của nam diễn viên điển trai James Van Der Beek, mẹ của cô con gái Olivia và cậu con trai Joshua từng chia sẻ về hai lần lâm bồn đáng nhớ trên trang cá nhân của mình. Câu chuyện "rất thật" này nhận được sự chia sẻ của hàng nghìn bà mẹ trên toàn thế giới khi có chung một cảm xúc và niềm hạnh phúc được làm mẹ.
Cô viết: "Hãy để tôi kể cho bạn nghe về hai lần sinh nở khác biệt của mình. Tôi lên kế hoạch sinh con gái Olivia theo phương pháp tự nhiên, không gây tê màng cứng, không tiêm thuốc làm mềm cổ tử cung, không thuốc giảm đau... Một ngày sau khi chuẩn bị, tôi bắt đầu gặp các cơn co thắt, mạnh dần và dồn dập. Người đỡ đẻ đến nhà và giúp tôi tập hít thở sâu để đối phó với những cơn đau - đó là lúc mà "tình yêu" của tôi chuẩn bị đến với thế giới này.
Khi các cơn co đều đặn dần, cứ khoảng ba phút một lần thì chúng tôi bắt đầu lên xe đi tới bệnh viện. Khỏi cần nói, tôi cảm thấy dễ chịu như thế nào khi được nằm trên ô tô. Nhưng khi đến bệnh viện, điều đầu tiên là tôi phải điền thông tin vào tờ giấy đăng ký trong khi vẫn phải chống chọi với cơn đau đẻ (có ai cũng phải làm điều này giống tôi không?). Mãi thì tôi cũng được đưa vào phòng khám nhưng cổ tử cung của tôi vẫn chưa mở một phân nào cả. Họ nói có thể tôi phải về nhà và tiếp tục chờ cho tới khi có dấu hiệu chuyển dạ thật sự. Điều đó thật không dễ chịu với tôi nhưng ơn trời, James (diễn viên James Van Der Beek), người đỡ đẻ và bác sĩ cuối cùng đã giữ tôi ở lại bệnh viện.

Trong vòng hai giờ đồng hồ sau đó, cổ tử cung của tôi mở được 9 phân và quá trình sinh nở bắt đầu. Tôi rặn, tôi la hét hệt như những gì đã xem trên ti vi nhưng cả nửa tiếng sau đó vẫn chỉ dừng lại ở 9 phân mà tôi thì đã kiệt sức. Bác sĩ khuyên tôi nên gây tê màng cứng để giảm bớt đau đớn và có thể thay đổi hình thức sinh khác dễ dàng hơn. Giây phút chờ đợi bác sĩ gây tê đến dường như là những phút dài nhất trong cuộc đời của tôi. Nhưng chỉ sau một mũi tiêm, tôi thấy dễ chịu hẳn và nói bác sĩ cho tôi tiếp tục rặn. Tôi được tiêm thêm một mũi thuốc làm mềm cổ tử cung để kích đẻ và không phải chuyển sang đẻ mổ. Một lần nữa, ơn trời là nhịp tim của Olivia vẫn khỏe và sau hơn hai giờ cố gắng cùng với sự giúp đỡ của nhiều người, con gái đã chào đời đúng 10h30 sáng ngày 25/9.
Lần sinh bé trai Joshua, tôi vẫn chọn ekip bác sĩ và người đỡ đẻ cũ, vẫn ở bệnh viện đó. Khi thai ở tuần thứ 37 thì tôi bắt đầu thấy có những dấu hiệu bất thường: Thai ngôi mông (là ngôi dọc mà đầu ở đáy tử cung và mông ở phía cổ tử cung). Tôi và bác sĩ đã thảo luận rất nhiều cách để xoay lại ngôi thuận cho thai nhi. Nếu không có cách nào trong đó đạt kết quả thì bác sĩ sẽ phải dùng tới phương pháp xoay thai ECV (External Cephalic Version - thai phụ được tiêm một loại thuốc làm mềm cơ bụng, sau đó bác sĩ dùng tay để xoay đầu em bé - thực hiện bên ngoài bụng).
Nếu cách này cũng không được thì tôi có thể sẽ phải đẻ mổ. Trong trường hợp như vậy, nhiều người sẽ đăng ký mổ chủ động nhưng tôi muốn chỉ dùng tới phẫu thuật khi khẩn cấp. Tôi nói với bác sĩ rằng mẹ của tôi từng sinh chị gái theo cách bình thường dù cũng là ngôi mông nhưng bác sĩ không đồng ý. Cô ấy nói trường hợp của tôi là không thể thương lượng. Tôi không được phép sinh con theo cách tự nhiên nếu bé vẫn không có ngôi thuận. Tôi rời bệnh viện với chút bức xúc nhưng tôi sẽ làm tất cả vì con.

Tôi bắt đầu thử mọi cách, gác chân lên cao, châm cứu, massage, nằm ngủ ở tư thế nhất định... Sau một chuỗi những bài tập với bác sĩ riêng mà Joshua của tôi nhất định vẫn không xoay lại ngôi. Dường như con không muốn xoay người lại mà cứ nằm im trong "căn phòng" nhỏ của mình. Một lần nữa, trực giác của người mẹ lại trỗi dậy trong tôi. "Có nhiều người vẫn sinh con bình thường với thai ngôi mông", tôi tự nhủ với mình như vậy. Tôi sợ việc dao kéo hơn bất cứ thứ gì trên trái đất này.
Rồi tôi được giới thiệu cho một vị bác sĩ đã đỡ đẻ tại nhà cho hàng trăm trường hợp như tôi. Tôi đến gặp ông và được giải thích rằng nếu thai ngôi mông nhưng vẫn ở trong khả năng cho phép thì tôi hoàn toàn có thể sinh thường được. Ông cho tôi làm một loạt kiểm tra để chắc chắn rằng tôi có đủ tiêu chí an toàn để sinh tại nhà. Đến lúc này, tôi chỉ còn biết cầu nguyện mà thôi.
Được sự động viên của chồng, tôi đã gọi điện cho vị bác sĩ này và nhờ ông đỡ đẻ cho tôi. Đúng 3h chiều ngày thứ hai, 12/3, bác sĩ đến nhà và chuẩn bị cho tôi sinh theo phương pháp water birth (sinh dưới nước). Nhưng tôi lại chẳng có cơn co nào cả và mọi việc vẫn diễn ra như bình thường. Tôi ăn bữa tối nhẹ, tắm cho Olivia và rồi đi ngủ.
5h sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy với cơn đau dữ dội và chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, các cơn co dồn dập, cách nhau 2-3 phút. Lần này tôi biết chắc chắn đó là mình sắp sinh con rồi. Tôi thông báo cho James để gọi người đỡ đẻ đến. Một lần nữa lại tiếp tục những công việc quen thuộc để chống đỡ với các cơn co nhưng lần này, tôi bình tĩnh hơn, biết thả lỏng cơ thể để mọi thứ diễn ra tự nhiên. Sau đó, bác sĩ đến và không cần cố gắng nhiều, đã nhìn thấy bàn chân của Joshua. Đúng 7h42 sáng, con trai chào đời. James ôm con trong tay, trên chính chiếc giường của chúng tôi. Con trai giống như ánh mặt trời. Còn tôi, thực sự rất đau nhưng mọi thứ đã tốt đẹp và hoàn hảo.
Một giờ sau đó, tôi đi tắm và ăn tối với cả nhà - 4 thành viên. Tôi thực sự tin rằng các mẹ nên lập kế hoạch cho việc sinh nở ở đâu và như thế nào để đem lại sự thoải mái nhất. Nếu phải đưa ra quyết định nào đó, hãy nhất quán với quan điểm của mình. Mẹ nên sinh bé theo cách tự nhiên mặc dù sinh mổ thì dễ dàng hơn.
Song Giang