Bố mẹ Sự, ông bà Sến - Cần lặn lội từ Hải Dương lên Hà Nội từ sớm. Người mẹ gày gò với gương mặt thất thần dường như vẫn chưa tin về sự thật con trai bà đã gây ra vụ cướp ngân hàng Cổ phần Quân đội và Ngân hàng Vietcombank. Đi bên cạnh vợ, ông Sến lặng lẽ cầm hai chiếc mũ bảo hiểm, còn bà Cần xách lỉnh kỉnh những thứ đồ ăn thức uống được chuẩn bị từ nhà. Từ hôm Sự bị bắt, giờ cả hai vợ chồng bà mới có cơ hội được nhìn thấy đứa con.
Sự dáng thấp nhỏ, gày gò được dẫn giải vào phòng xét xử. Trông anh ta khá khác so với ngày bị bắt. Trước đó, lúc bị Công an Hà Nội bắt, Sự trông bảnh bao trong bộ vest, giờ nhìn anh ta thùng thình trong bộ quần áo bị cáo. Mái tóc của Sự cũng đã bị cắt tỉa ngắn. Lúc thấy bố mẹ khi vào tòa, Sự cố nhìn rồi bước đi lầm lũi. Bà Cần bước theo lực lượng cảnh sát dẫn giải mà lòng nặng trĩu, nước mắt bà rơi lã chã.
Hai ông bà ngồi gọn một góc phòng. Phiên xử vắng người, chỉ có 4 đại diện của hai ngân hàng và luật sư cùng cảnh sát. Bà Cần đầu đội khăn, khuôn mặt cũng được che bằng một chiếc khăn khác. Thỉnh thoảng, đằng sau chiếc khăn của người mẹ già yếu lại có những tiếng nấc nghẹn ngào. Bà cố khóc thật nhỏ, để không làm ảnh hưởng đến phiên xử. Ông chồng ngồi bên cạnh vợ cũng chỉ biết thở dài, ôm trán khi nghe HĐXX hỏi con về hành vi cướp tài sản.
![]() |
Nguyễn Đình Sự trước vành móng ngựa. |
Sự được hai ông bà Cần chắt chiu từng đồng vất vả từ mảnh ruộng ở quê để nuôi ăn học. Khó khăn nhưng ông bà vui vì Sự không phụ lòng bố mẹ, học xong đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp, Sự về thực tập sự tại công ty chứng khoán Thăng Long và ngân hàng Nông nghiệp huyện Nam Sách. Sau đó, anh ta lên Hà Nội làm nghề môi giới chứng khoán. Được một thời gian, nghề này khiến Sự bị thua lỗ, không có tiền trả nợ. Anh ta đã nảy sinh ra ý định cướp tài sản ở các ngân hàng để lấy tiền trả nợ.
Do có một thời gian thực tập và làm việc tại ngân hàng nên Sự am hiểu quy trình hoạt động cũng như cơ cấu tổ chức nhân sự của chi nhánh các ngân hàng. Để thực hiện ý định cướp tài sản, ngày 22/11/2007, Sự chuẩn bị áo, quần kaki, kính đen và dao nhọn cùng băng dính. Ngày 23/11, anh ta thuê taxi vào khống chế nhân viên trong ngân hàng Cổ phần thương mại Quân đội ở Mỹ Đình, Từ Liêm, cướp được hơn 838 triệu đồng
Một năm sau, ngày 3/11/2008, anh ta lại tiếp tục thực hiện một vụ cướp táo bạo tại ngân hàng Vietcombank, chi nhánh ở Thanh Xuân. Anh ta đã chuẩn bị một khẩu súng giả mua 700.000 đồng, con dao gấp mua 200.000 đồng ở Lạng Sơn để đi cướp. Trước khi tiến hàng, Sự lên mạng tìm hiểu thông tin và biết được chi nhánh ở Thanh Xuân của ngân hàng này có trưởng phòng là nữ giới, các trưởng phòng giao dịch ngồi ở phòng riêng có cơ hội cướp được tiền. Sự đã dùng súng khống chế nữ trưởng phòng chi nhánh ngân hàng nhưng sau đó bị bắt giữ.
Tại phiên tòa, Sự khai nhận chỉ cướp được tổng cộng 625,5 triệu đồng tại ngân hàng Quân đội. Nhưng phía đại diện ngân hàng này cho biết, số tiền bị Sự cướp thực tế đúng như trong cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố. Toàn bộ tiền cướp được, anh ta trang trải trả nợ nần và chi tiêu.
Mỗi lần nghe con trai khai nhận rành rọt trước vành móng ngựa về hành vi cướp, chuẩn bị "đồ nghề" để thực hiện các phi vụ, bà Cần lại khóc. Người ta dễ dàng nghe thấy những tiếng nấc, xen lẫn tiếng gọi "con ơi là con". Giận con vì phụ lòng bố mẹ nhưng cả hai ông bà vẫn kiên nhẫn ngồi để nghe từng lời luận tội của HĐXX. Ông bà hiểu rõ, con trai bà gây tội và phải chịu sự trừng phạt từ pháp luật. Trong sâu thẳm người mẹ, bà mong muốn và hy vọng òa "nhẹ tay" để Sự có cơ hội trở lại xã hội.
Phiên xử diễn ra khá nhanh chóng, bên bị hại yêu cầu xử lý nghiêm đối với Sự và bị cáo phải hoàn trả lại số tiền đã cướp được. Sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên phạt Sự 18 năm tù cho tội cướp tài sản. Sự lặng lẽ đón nhận mức án từ chủ tọa, trong khi người mẹ khóc nấc.
Cảnh sát dẫn giải phạm ra xe. Bà Cần và chồng líu ríu bước theo con. Anh trai Sự lúc này mới có mặt, châm cho em điếu thuốc. Sự vừa đi vừa hút và dặn mẹ cứ an lòng. Người mẹ bước đi như chạy, gọi con "Sự ơi, con cố cải tạo nhé, mẹ sẽ gắng sống để đợi ngày con về". Những lời này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong nước mắt của một bà mẹ thương con.
Việt Dũng