![]() |
Bệnh viện luôn quá tải. |
Tính ra trong 8 giờ làm việc, mỗi bác sĩ chỉ có thể dành cho một bệnh nhân 144 giây.
Với thời gian 144 giây, PV Người Lao Động đặt ra vấn đề chất lượng khám, điều trị cho dù bệnh viện đã tập trung các bác sĩ giỏi để lo cho bệnh nhân. Quá tải đến mức một đơn vị chẩn đoán y khoa nổi tiếng ở TP HCM phải xây dựng lịch khám bệnh mỗi ngày từ 4h sáng; lại có nơi còn dự định tổ chức khám từ 2 đến 3h sáng! (dù rằng một số chuyên gia tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả chẩn bệnh với lý do “đồng hồ sinh học” của con người vào thời điểm ấy thường bị xáo trộn).
Tình trạng bệnh viện quá tải dẫn đến vô số hệ quả xấu mà mối nguy lớn nhất là sự mất cân bằng trong hệ thống y tế. Thể hiện cụ thể là ngành y tế thiên về điều trị, y tế dự phòng chậm phát triển; y tế chuyên sâu với công nghệ cao chỉ tập trung ở một số thành phố lớn; đặc biệt đáng lo là tình trạng kém phát triển của y tế tuyến cơ sở, nhất là y tế xã, phường. Khó có thể hình dung nổi một trạm y tế phường suốt 5 tháng đầu năm nay chỉ có... 9 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh! Nhưng đó là sự thật ở một quận nội thành TP HCM, và cũng là thực tế phổ biến ở rất nhiều tỉnh, thành.
Hiện có không ít bệnh nhân vượt hàng trăm cây số về TP, chờ chực qua đêm ở bệnh viện, nhưng sau khi khám hóa ra chỉ là bệnh thông thường không có gì phải lo. Cũng có những đứa trẻ chỉ ho nhẹ, có thể xử trí tại trạm y tế, nhưng do chuyển viện đường xa, nắng nóng nên bệnh trở nặng, phải cấp cứu. Và nhiều trường hợp bất trắc khác. Rõ ràng, y tế tuyến trước phần lớn chưa được bệnh nhân tin cậy vì chất lượng khám chữa bệnh và năng lực, tư vấn về sức khỏe...
Mãi loay hoay “chống đỡ” trước áp lực điều trị hàng ngày, nhiều bệnh viện tuyến cuối không còn thời gian để nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ... Liệu những bệnh viện này có đủ sức vượt lên bắt kịp các bệnh viện tiến tiến trong khu vực, hay khoảng cách về đẳng cấp lại cứ dãn ra? Và chừng nào ngành y tế khắc phục được sự mất cân đối này?