Thứ năm, 19/8/2021, 00:02 (GMT+7)

12 phim cả nhà cùng xem

12 bộ phim của Hollywood và châu Á với những câu chuyện xúc động về gia đình và trẻ em, phù hợp để các phụ huynh cùng con thưởng thức.

Jojo Rabbit (Jojo thỏ đế) là bộ phim hài châm biếm - tâm lý, tái hiện một phần Thế Chiến II qua lăng kính con trẻ. Cậu bé người Đức Jojo sống cùng mẹ sau khi cha mất liên lạc trên chiến trường và chị gái chết vì bệnh cúm. Jojo rất tôn sùng Hitler. Cuộc sống êm đềm của Jojo bỗng chốc đảo lộn khi cậu bé phát hiện sự tồn tại của một người lạ mặt trong nhà mình. Những ảo tưởng tốt đẹp về thủ lĩnh phát xít sụp đổ, Jojo buộc phải trưởng thành khi đối diện hiện thực chiến tranh.

Bộ phim mang đến những tràng cười bất tận qua những tình huống Jojo tưởng tượng đối thoại với thần tượng Hitler. Những khoảnh khắc hai mẹ con Jojo khiêu vũ và thủ thỉ tâm sự gieo vào lòng khán giả sự xúc động. Gần như không có khung cảnh thảm sát đổ máu, phim tái hiện sự tàn khốc và ám ảnh của chiến tranh rất khéo léo qua sự thay đổi tâm lý của nhân vật.

Sao nhí Roman Griffin Davis diễn xuất thông minh và đáng yêu trong vai Jojo bướng bỉnh nhưng tình cảm. Minh tinh Scarlett Johansson khắc họa hình ảnh người mẹ trẻ sành điệu và sâu sắc. Phim dán nhãn PG13 (dành cho khán giả từ 13 tuổi trở lên).

Jojo Rabbit ending scene
 
 

Kết phim tươi sáng của Jojo Rabbit

Bốn đứa trẻ theo mẹ chuyển tới Tokyo. Một ngày, mẹ bỏ đi theo chồng mới, bỏ mặc bốn anh em sống bí mật trong một căn hộ giữa Tokyo ồn ào. Không một ai biết về chúng.

Đứa lớn nhất 12 tuổi trở thành trụ cột gia đình một cách bị động, bảng cửu chương còn chưa thạo mà phải tính toán các khoản tiền nhà, điện, nước, gas, điện thoại, ăn uống. Con bé thứ hai khoảng 10 tuổi tha thiết đi học nhưng ngày ngày chỉ quanh quẩn trong nhà giặt giũ, phơi đồ. Thằng nhóc chừng 7-8 tuổi phải kiềm chế bản tính nghịch như giặc, chơi trong lặng lẽ, nhai giấy vì đói quá không có gì ăn. Bé út 5 tuổi xinh như thiên thần, sinh nhật muốn ra phố cũng phải chờ đến nửa đêm, lúc không ai nhìn thấy nó.

Dựa trên một vụ án có thật ở Nhật Bản năm 1988, phim Nobody Knows làm người xem thắt tim, ứa nước mắt vì quá nhiều khoảnh khắc xót xa. Phim thiếu những cảnh nô đùa hay thấy của phim về trẻ con, cũng vắng bóng sự gào thét, vật vã với một phim đau buồn. Hình ảnh cứ trong lành, nhịp điệu cứ nhẹ nhàng nhưng đủ làm người xem đau xót. Ngay cả cái chết cũng được diễn tả rất giản tiện, nhưng thấm thía. Phim dành cho khán giả từ 13 tuổi.

Câu chuyện của The Way Home (Đường về quê ngoại) bắt đầu khi Sang Woo được mẹ gửi về quê ngoại trong lúc mẹ bận việc ở thành phố. Cậu nhóc 7 tuổi rất ghét bà, nói chuyện hỗn láo với bà. Sau vài lần bị bà dạy cho những bài học nhớ đời, cậu bé dần cảm nhận được tình thương vô hạn của bà ngoại.

Tuy kể chuyện hơi rời rạc và lan man nhưng bộ phim của điện ảnh Hàn dễ dàng lấy đi nước mắt người xem nhờ thành công trong việc chọn diễn viên đóng vai người bà. Bà cụ vốn không phải diễn viên mà là một người dân sống ở vùng núi được chọn làm bối cảnh. Dáng lưng còng, vẻ mặt khắc khổ, bước chân chậm chạp, bà cụ chỉ cần lên hình đã đủ thuyết phục và gây xót xa. Tài tử Yoo Seung Ho (nổi tiếng với Mặt nạ quân chủ, Nữ hoàng Seon Deok, God of Study) năm ấy 9 tuổi, thể hiện rất hay vai diễn cậu nhóc Sang Woo bướng bỉnh như tình cảm.

Tạm cất khiên Captain America, tài tử Chris Evans hóa thân thành ông cậu Frank giàu tình cảm trong phim Gifted (Thiên tài). Sau khi chị gái và anh rể qua đời, Frank thay họ nuôi dưỡng cháu gái Mary, một cô bé thần đồng toán học. Frank muốn gìn giữ cho Mary một tuổi thơ trong lành với đời sống học đường bình thường như mọi đứa trẻ, nhưng mẹ anh thì ấp ủ một kế hoạch khác. Hai mẹ con bước vào cuộc kiện tụng liên quan tới quyền nuôi dưỡng Mary.

Truyện phim được kể hấp dẫn, nhiều tình huống hài duyên lẫn cảm xúc, chỉ tiếc kết cục hơi khiên cưỡng. 11 tuổi, sao nhí Mckenna Grace diễn vai Mary cực kỳ thuyết phục, ra được chất của một thần đồng vừa tự tin vừa tự ti, vừa mạnh mẽ vừa yếu mềm. Phim dán nhãn PG13.

Vợ chồng Pete và Ellie mong muốn nhận con nuôi để lấp đầy khoảng trống cuộc hôn nhân của mình. Tại trung tâm chăm sóc trẻ vị thành niên, cặp đôi bị thu hút bởi cô bé tuổi teen Lizzie. Khi biết mẹ của Lizzie ngồi tù vì ma túy và Lizzie được "đính kèm" thêm hai đứa em, Pete và Ellie hơi ngần ngại, nhưng cuối cùng họ chấp nhận làm cha mẹ của cùng lúc ba đứa trẻ. Ban đầu, chị em Lizzie giả bộ nghe lời nhưng càng về sau, chúng càng quậy phá gia đình của bố mẹ nuôi.

Dán nhãn 13+, phim Instant Family (Con nuôi bất đắc dĩ) ấm áp, ngọt ngào, có những khoảnh khắc xúc động về mối quan hệ cha mẹ - con cái và vấn đề giáo dục. Điểm hay nhất là phim không thể hiện sự phán xét. Các nhân vật có thể nổi cáu, hét vào mặt nhau nhưng tuyệt nhiên không nghĩ xấu về bản chất hay xuất thân của nhau, dù đó có là bà mẹ nghiện ngập, buôn ma túy và không đủ khả năng nuôi con.

Trong Like Father, Like Son (Cha nào con nấy), hai gia đình có bối cảnh và thói quen sống khác biệt bất ngờ phát hiện bị trao nhầm con ở bệnh viện trước đó vài năm. Hai cặp vợ chồng hạnh phúc đối diện với nỗi đau và lựa chọn khó khăn. Phim trong veo, nhẹ nhàng, giản tiện, đủ xót xa mà không cần phán xét. Kết phim cho thấy cách xử lý rất nhân văn. Tác phẩm tiêu biểu của điện ảnh Nhật Bản, thắng Giải thưởng BGK tại LHP Cannes 2013 và càn quét nhiều giải thưởng khác.

Coco là cuốn phim hoạt hình đẹp đẽ cả hình ảnh và câu chuyện của hãng Pixar được xướng tên cho giải Phim hoạt hình xuất sắc tại Oscar 2018. Dù gia đình ban lệnh cấm chơi nhạc qua nhiều thế hệ, cậu bé Miguel vẫn ấp ủ đam mê cháy bỏng với đàn hát và ôm mộng nổi tiếng giống như thần tượng Ernesto de la Cruz. Trong lễ hội vong hồn, Miguel vô tình lạc vào cõi âm. Cậu bé trải qua một chuyến phiêu lưu kỳ thú, gặp được thần tượng và khám phá ra bí mật của gia đình.

Dù đề cập về thế giới người chết, phim không gây sợ hãi mà mang đến những khung cảnh diệu kỳ và không khí tươi sáng. Bằng những tình huống hóm hỉnh, phim viết nên câu chuyện đầy xúc động, truyền tải ý nghĩa sâu sắc về giáo dục và sự thừa hưởng thế hệ trong gia đình. Tác phẩm của Mỹ khai thác phong tục truyền thống Mexico nhưng tạo sự liên hệ lớn với đời sống người Việt Nam. Tận cuối phim, tựa phim Coco mới được hé lộ ý nghĩa, tạo nên khoảnh khắc xúc động nhất phim.

Tựa phim The Pursuite of Happyness (Mưu cầu hạnh phúc) cố tình sửa từ "happiness" thành "happyness" với ngụ ý riêng liên quan kịch bản dựa trên chuyện có thật. Vợ bỏ đi, nhà bị siết nợ, Christopher đưa theo con trai sống trong các khu nhà tị nạn. Ngày ngày, hai bố con xách máy quét mật độ xương khắp nơi để bán. Trong lúc đấy, Christopher cũng bận rộn học thêm tài chính để giành giật cơ hội mong manh làm việc tại công ty chứng khoán.

Hai cha con Will Smith và Jaden Smith hóa thân xuất sắc vào cặp cha con bần hàn trong phim. Câu chuyện phim cuốn hút qua từng tình huống, cửa ải mà nhân vật trải qua, gây cảm động bởi tình phụ tử và nghị lực sống phi thường.

Little Miss Sunshine kể về hành trình cả gia đình đưa cô bé Olive 7 tuổi đi thi cuộc thi hoa hậu nhí. Chuyến xe đường dài gây ra đủ thứ chuyện bi hài, làm bùng nổ những cuộc cãi vã, lộ tẩy những bí mật và khuyết điểm của ông nội, bác, bố, mẹ và hai anh em Olive. Cái kết trong buồn có vui, trong vui có buồn giúp mỗi người thức tỉnh và trưởng thành.

Phim hóm hỉnh nhưng sâu sắc, có nhiều đoạn thoại nhạy cảm. Phim dán nhãn R - trẻ em dưới 17 tuổi cần có sự giám hộ của người lớn khi xem.

Captain Fantastic là câu chuyện lạ lùng về một gia đình đông con bỏ phố về rừng làm người rừng đúng nghĩa. Từ văn hóa, triết học, toán học, âm nhạc, mỹ thuật... đến kỹ năng sinh tồn, mọi thứ bọn trẻ đều được truyền thụ từ bố và mẹ. Mọi chuyện cứ thế êm đẹp cho tới khi bi kịch xảy đến, những mâu thuẫn gia đình và mâu thuẫn nội tại trong chính mỗi cá nhân bùng phát như núi lửa.

Theo chân gia đình trong phim, khán giả băng qua những những sông suối, núi rừng tuyệt đẹp của nước Mỹ. Phim dán nhãn R - trẻ em dưới 17 tuổi cần có sự giám hộ của người lớn khi xem.

Children Of Heaven (Những đứa trẻ nơi thiên đường) nằm trong danh sách phim xuất sắc của điện ảnh Iran. Bộ phim có lời đề tựa: "Những đứa trẻ là thiên thần và nơi chúng sống là thiên đường", vẽ nên câu chuyện nhuốm màu cổ tích nhưng không xa rời hiện thực về những đứa trẻ nhà nghèo ở đất nước Trung Đông.

Trong nhà chỉ có một đôi giày lành lặn, hai anh em Ali đành phải đi chung. Mỗi buổi trưa, Ali chạy thục mạng từ trường về nhà để đưa giày cho em gái đi học. Một lần, vùng quê tổ chức giải chạy thiếu nhi. Ali quyết tâm giành giải nhì bởi vì giải nhì có phần thưởng là một đôi giày mới đúng như ước mơ của hai anh em. Ali ngày càng ra dáng một vận động viên điền kinh nhí nhờ ngày ngày chạy về đổi giày cho em. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như suy nghĩ của con trẻ.

Đúng như tựa đề Wonder (Điều kỳ diệu), bộ phim mang đến một câu chuyện diệu kỳ và phi thường. Mắc căn bệnh hiếm gặp, Auggie luôn phải đội chiếc mũ như của phi hành gia để tránh ánh nắng mặt trời. Lần đầu đến trường vào năm 10 tuổi, Auggie mặc cảm vì gương mặt biến dị sau nhiều lần phẫu thuật. Nghị lực của chính Auggie và tình yêu thương, sự động viên từ bố mẹ, chị gái đã giúp cậu bé vượt qua nghịch cảnh và chinh phục những người bạn ở trường.

Đây không phải một phim của những mâu thuẫn, cao trào. Wonder trong veo, nhẹ nhàng; là một bộ phim của sự tử tế và những ước vọng xung quanh những đứa trẻ xinh yêu vô cùng cả ngoại hình lẫn tâm hồn. Kết phim hơi nặng tính giáo điều và có phần khắt khe với con trẻ nhưng tổng thể phim mang đến năng lượng tươi sáng, tích cực.

Hai câu thoại hay nhất của phim: "Nếu gặp người nhỏ mọn, con hãy là người rộng lượng", "Hãy tử tế với nhau, vì ai cũng đang chiến đấu khó khăn".

Phim dán nhãn PG - trẻ em cần có phụ huynh xem cùng.

Phong Kiều

Đánh giá phiên bản mới