Bà Nguyễn Thị Dung, 77 tuổi, được đưa đến Bệnh viện Quận 2 (TP HCM) trong tình trạng cơ thể suy kiệt và đau nhiều ở hạ sườn phải. Các chẩn đoán phát hiện một khối u nghi ung thư chiếm gần hết gan bên phải.
Trước tình huống khó, các bác sĩ Bệnh viện Quận 2 đã nhờ sự tư vấn của các Bệnh viện Ung Bướu, Đại học Y Dược và Nhân dân Gia Định. Cuối cùng, các bác sĩ thống nhất cắt gan là cách duy nhất có thể giúp người bệnh được sống.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, cho biết có tổng cộng 12 bác sĩ của bệnh viện đã tham gia cuộc phẫu thuật cam go bởi khả năng mất máu khi mổ gan là rất cao, trong khi người bệnh vốn mắc sẵn các bệnh cao huyết áp và tiểu đường.
"Bệnh cao huyết áp gây phức tạp cho gây mê, còn tiểu đường gây lâu lành vết thương, đó là chưa kể khối u quá lớn. Tuy nhiên sau hơn 3 giờ cân não, 12 bác sĩ của chúng tôi đã cắt trọn khối u gan cho người bệnh một cách an toàn", ông Khanh nói.
Tỉnh lại sau 3 ngày mổ, trưa 18/5, bà Dung cho biết rất phấn khởi bởi không nghĩ mình còn sống. "Lúc đó cứ nghĩ đã chết, chính vì thế nên khi bác sĩ hỏi có cần chuyển lên bệnh viện chuyên khoa ung bướu để mổ hay không, tôi đã từ chối và xin được mổ tại chỗ. Rất may, tôi đã được các bác sĩ cứu sống", bệnh nhân nói.
Bác sĩ Phan Văn Đức, phó giám đốc Bệnh viện Quận 2, cho biết khối bướu to gần bằng quả cam đã được lấy ra ngoài. Tuy nhiên các bác sĩ vẫn phải tiếp tục giải phẫu bệnh để phân loại xem đây có phải là ung thư không, nếu ung thư là thuộc loại nào để lên phác đồ điều trị.
Cũng theo ông Đức, bướu gan thường phát triển âm thầm, chính vì thế trước khi lên cơn đau, bệnh nhân không hề nghi ngờ mình mắc bệnh. "Bướu ở gan khó phát hiện nhưng lại diễn tiến thường rất nhanh, chính vì thế nếu không can thiệp sớm, bướu sẽ di căn, thậm chí khiến bệnh nhân tử vong rất nhanh", bác sĩ Đức nói.
Tại TP HCM, Bệnh viện Quận 2 là cơ sở y tế tuyến quận huyện thứ hai cắt bướu gan cứu người. Trước đó Bệnh viện Quận Thủ Đức cũng đã phẫu thuật gan để cứu sống một bệnh nhân.
Thiên Chương