Gần một tuần trở về Việt Nam sau 3 tháng rưỡi mắc kẹt tại Paris vì bị cáo buộc buôn bán và tàng trữ ma túy, Phạm Thị Tuyết Mai (34 tuổi) vẫn chưa thể trở lại với nhịp sống bình thường.
Cô được người thân, bạn bè liên tục mở tiệc chúc mừng vì đã được minh oan và bình an trở về. Mai cũng dự định trở lại công ty làm việc trong thời gian ngắn sắp tới. Tuy nhiên, ký ức về quãng thời gian ở Pháp cùng chứng mất ngủ, đau dạ dày do những ngày căng thẳng vẫn ám ảnh cô.
Ngày 18/12/2018, Mai cùng bạn trai bay từ Việt Nam sang Malta để thăm gia đình anh và bị giữ lại ở cửa kiểm tra hộ chiếu dành cho hành khách châu Á tại sân bay Charles de Gaulle ở Paris.
Mai được thông báo giấy tờ của cô "có vấn đề" và cô "bị truy nã từ Bỉ về tội danh buôn bán và tàng trữ ma túy", đồng thời bị một công ty điện kiện vì tội ăn cắp điện. Vụ án xảy ra trong giai đoạn cuối năm 2010 và đầu năm 2011, được xử vắng mặt ở Bỉ từ 2013. Lệnh truy nã phát đi trên toàn châu Âu từ năm 2014.
Mai cho biết cô từng học tập và làm việc tại Amsterdam, Hà Lan, trước khi trở về Việt Nam sinh sống từ tháng 3/2010 và đến tháng 11/2011 mới quay lại châu Âu một lần để công tác. Cô có hồ sơ chứng thực làm việc cho công ty ở Việt Nam từ tháng 5/2010 đến tháng 5/2012 và nghi ngờ thông tin cá nhân bị đánh cắp để dùng cho mục đích phi pháp.
Phiên tòa đầu tiên hôm 19/12/2018, Mai được Cécile Bernaille, nữ luật sư người Pháp do tòa chỉ định, bào chữa. Theo luật, chính quyền Pháp có quyền giam giữ cô nhưng nữ luật sư này đã thuyết phục thẩm phán thành công để Mai được tại ngoại. Vì vậy, cô tiếp tục tin tưởng sự hỗ trợ của bà.
Phiên tòa tiếp theo hôm 9/1, tòa án Pháp cho biết chưa nhận được thêm thông tin từ bên Bỉ và Mai tiếp tục phải chờ đợi. Do đó, Mai còn cần một luật sư bên Bỉ để làm việc trực tiếp với tòa án Antwerpen ở Bỉ. Phải đến gần một tháng sau khi bị cấm xuất cảnh khỏi Pháp, Mai mới được giới thiệu cho luật sư Ruben Van Herpe. Chỉ sau một buổi chiều nghiên cứu trường hợp của Mai, Ruben đã lập tức đến tòa để lấy hồ sơ bản án.
Mai cho biết gặp được Ruben chính là may mắn của cô. Nhờ cách làm việc hiệu quả, am hiểu luật và qui trình tố tụng, Ruben từng bước giúp Mai gỡ khỏi mớ bòng bong. Qua các tư liệu của tòa án, Ruben kết luận Mai bị làm giả giấy tờ từ bản photo chứ không phải từ bản gốc. Ngay cả sao kê tài khoản của Mai cũng bị làm giả.
Mai cho rằng ra trong quá trình học tập tại Hà Lan, cô có thể đã không bảo quản kỹ các giấy tờ photocopy khiến nhóm tội phạm lấy được rồi đem đi photoshop, chỉnh sửa các chi tiết trên đó để phục vụ cho việc thuê nhà trồng cần sa.
Luật sư Ruben nhận định các bằng chứng chống lại Mai rất yếu, đồng thời đều sử dụng giấy tờ làm giả, ngày tháng, thông tin đều không phù hợp. Do đó, cô nhanh chóng gọi về Việt Nam nhờ người tìm lại các giấy tờ bản chính để scan và chuyển qua bên Bỉ. Công ty của Mai ở Việt Nam cũng gửi xác nhận thời gian làm việc của cô.
Ngoài ra, trong lúc nhóm làm ăn phi pháp sử dụng giấy tờ làm giả của Mai để hoạt động, cô hoàn toàn ở Việt Nam và tất cả các dấu nhập cảnh châu Âu đều vẫn còn trong hộ chiếu để chứng minh cô không có mặt tại châu Âu trong thời gian đó. Bạn bè của Mai ở Hà Lan cũng từng sang Việt Nam thăm cô và có thể làm nhân chứng.
Đồng thời, đầu năm 2010, trước khi từ Hà Lan về Việt Nam, Mai bị ăn cắp ID (thẻ cư trú). Tuy khi đó, Mai đã lập tức báo cho chính quyền Hà Lan và trong thời gian bản án của Mai được lập, Hà Lan cũng báo cho Bỉ ID của Mai bị làm giả nhưng bị cảnh sát bỏ qua. Đây được luật sư của Mai coi là một bằng chứng quan trọng thể hiện cảnh sát Bỉ làm việc thiếu sát sao.
Phiên tòa đầu tiên của Mai ở Bỉ diễn ra vào ngày 21/2. Trong thời gian chờ đợi phiên tòa diễn ra ở Bỉ, Mai có ra tòa thêm hai lần nữa ở Pháp, ngày 6/2 và 27/2.
Mai được luật sư Ruben hỗ trợ làm hồ sơ kháng cáo đệ trình lên tòa án Antwerpen từ 15/1. Tới ngày 7/3, Mai kháng cáo thành công và được xóa lệnh truy nã cũ. Ngày 22/3, diễn ra phiên tòa quyết định cuối cùng - tuyên án Mai vô tội. Đây là phiên tòa dự xét xử từ xa và chỉ có luật sư Ruben đại diện cho Mai tham gia.
Cô đang cùng luật sư Bỉ làm đơn đòi bồi thường sau khi được tuyên vô tội. Mai sẽ phải chờ từ 6 tháng cho đến 1,5 năm để được bồi hoàn các chi phí đã bỏ ra trong thời gian ở Pháp kèm bồi thường danh dự, tinh thần.
Trước khi nhận kết quả, Mai không quá lo lắng vì mọi bằng chứng chứng minh cô vô tội đều rõ ràng và Mai luôn tin lẽ phải sẽ chiến thắng. Tuy nhiên, điều khiến Mai ức chế nhất chính là thời gian kéo dài. Cô từng không thể hiểu nổi tại sao một chuyện mà cô cho là đơn giản như thế lại mất thời gian khá lâu để giải quyết.
Giây phút nghe thông báo trắng án từ luật sư, Mai bật khóc và thở phào nhẹ nhõm, cô lập tức lao ra ngoài để thưởng thức ngay một cốc cà phê Paris mừng tự do của chính mình. Nhưng Mai vẫn còn phải trải qua thêm một phiên tòa ở Pháp để nước này quyết định có trả lại hộ chiếu cho cô hay không. Phiên tòa này diễn ra vào ngày 27/3 và cô được nhận lại hộ chiếu kèm theo một văn bản xác nhận của tòa án để thông qua hải quan dễ dàng hơn.
Bố mẹ là người đầu tiên được Mai chia sẻ tin vui, sau đó đến bạn bè thân thiết, những người đã động viên, ủng hộ cô. Còn bạn trai cũng đã biết từ trước thông qua luật sư.
Mai chia sẻ, ở châu Âu 10 năm trở lại đây có nhiều vụ tội phạm ăn cắp danh tính sử dụng giấy tờ giả của người Việt Nam, người châu Á và cả người bản địa để lập thẻ ngân hàng rồi vay tiền. Trong thời gian ở Pháp, cô gặp một số người chia sẻ cũng gặp trường hợp tương tự. Những người ăn cắp danh tính này có thể chính là những người quen biết khiến nạn nhân không đề phòng.
Qua chính trường hợp của mình, Mai khuyên mọi người nên cẩn thận với tất cả giấy tờ của mình, ngay cả bản photo. Và nếu ai chẳng may rơi vào tình huống này, cần phải làm việc sâu sát với luật sư để có thể rút ngắn quá trình tố tụng, đồng thời chuẩn bị các bằng chứng ngoại phạm một cách rõ ràng nhất.
Những ngày đầu bị mắc kẹt tại Paris, Mai chia sẻ lên trang cá nhân câu chuyện của mình mong tìm được tư vấn về luật sư vì chi phí luật sư bên châu Âu rất đắt. Cô nhanh chóng nhận được inbox của luật sư người Việt ở nước ngoài, giúp Mai bình tĩnh, chuẩn bị tinh thần vì xác định được thời gian cô phải ở lại nơi đất khách quê người.
Nhưng việc công bố "tai nạn" cá nhân cũng khiến Mai gặp phải những luồng dư luận trái chiều cho rằng cô có tội, sẽ bị chuyển sang Bỉ giam giữ và những lời kêu gọi cộng đồng người Việt ở Pháp không giúp đỡ cô. Tuy bàng hoàng, căng thẳng và buồn bã khi nghe, đọc được những lời như vậy, nhưng Mai không muốn mất thời gian tranh cãi. Cô tập trung vào việc quan trọng nhất lúc đó là tìm kiếm tư vấn về mặt pháp lý để giải quyết vấn đề một cách nhanh nhất. Biết bố mẹ buồn lo vì những lời lẽ "xúc phạm, nhục mạ" của những người không hề quen biết trên mạng, Mai chuyển chế độ chia sẻ bài viết từ "public" sang "friends", và âm thầm trong hành trình tìm đến công lý để dùng phán quyết vô tội của tòa án chứng minh những lời vu khống cô là sai sự thật.
Thời gian đầu ở Paris, Mai không thể tự thuê nhà hay khách sạn vì bị tòa Pháp giữ hộ chiếu. Vì vậy, cô phải nhờ bạn trai đứng tên thuê hộ. Sau gần 2 tháng, chi phí ăn ở bị đội lên quá cao nên Mai phải tìm hướng khác. Cô may mắn được người quen của mẹ - một cặp vợ chồng là giáo sư người Pháp có căn hộ với nhiều phòng ngủ tại khu trung tâm - cho ở nhờ.
Khi nghe Mai chia sẻ sự cố của mình, ông bà người Pháp rất đồng cảm với cô gái trẻ người Việt vì chính bản thân họ cũng từng trải qua sự cố bị ăn cắp danh tính. Trong suốt 2 tháng ở tại đây, Mai được coi như con cháu trong nhà. Cô thường xuyên tự đi chợ mua thức ăn để nấu những món ăn Việt mời đôi vợ chồng già thưởng thức. Đồng thời, cô cũng được họ chiêu đãi những món đặc trưng của Pháp và Ấn Độ - nơi cả hai từng sinh sống một thời gian.
Mai đề nghị trả tiền thuê nhà nhưng bị từ chối. Cặp vợ chồng Pháp cho biết vì họ thương cảm nên muốn giúp đỡ Mai trong thời gian khó khăn. Vì vậy, Mai dự định sau khi lấy được tiền bồi thường, cô sẽ trích một phần để cảm tạ hai ông bà.
Trước đó, trong thời gian ở khách sạn, Mai cũng được đội ngũ quản lý lẫn nhân viên khách sạn người Tây Ban Nha và người Pháp nhiệt tình giúp đỡ, từ dịch thuật, đăng ký điện thoại đến địa chỉ khám bệnh. Ngoài ra, Mai cũng được các bạn trẻ Việt sinh sống, học tập tại Pháp quan tâm, động viên. Có những bạn đi cùng Mai đến tòa, hỗ trợ dịch và chỉ cho Mai các địa điểm cô cần đi vì tiếng Pháp của Mai không tốt.
Dan, bạn trai của Mai, luôn động viên cô. Chính tình cảm, sự tin tưởng tuyệt đối của Dan dành cho đã giúp Mai thêm vững tin trên con đường của mình.
Đáng nhẽ vừa rồi là lần đầu tiên Mai đến thăm nhà bạn trai nhưng việc cô bị tước hộ chiếu khiến cả gia đình của Dan phải lặn lội từ Malta tới Paris thăm cô. Từ mẹ tới vợ chồng chị gái Dan trước đây chưa từng gặp Mai cũng như không biết gì về quá khứ của cô nhưng vẫn sẵn lòng tin tưởng Mai.
Sự nhân văn trong cách hành xử của gia đình Dan, của các du học sinh hay cặp vợ chồng già người Pháp mà Mai được gặp đã tiếp thêm sức mạnh cho cô. Khi chưa ai biết rõ sự thật là thế nào, họ vẫn tin Mai vô điều kiện. Mai ấp ủ dự định viết lại câu chuyện của mình thành sách để lan tỏa tình người và hy vọng phần nào đó dùng kinh nghiệm của mình để giúp đỡ những người gặp nạn tương tự.
Ngoài ra, Mai cũng dự định xây dựng một trang web để dịch thuật, tra cứu thông tin nhà ở, liên hệ luật sư tại nước ngoài, để có thể trao đổi, hỗ trợ cho những người xa xứ gặp vấn đề.
Hà Đan
Video: Trần Huấn