Thận là một bộ phận quan trọng của hệ tiết niệu, có chức năng điều chỉnh các chất điện phân, duy trì sự ổn định axit-bazơ, điều chỉnh huyết áp. Thận đóng vai trò là bộ lọc máu tự nhiên trong cơ thể, và các chất thải theo niệu quản được dẫn đến bàng quang để thải ra ngoài. Trong việc tạo ra nước tiểu, các quả thận bài tiết các chất thải như urê, acid uric và amoniac; thận cũng có nhiệm vụ tái hấp thụ nước, glucose, và các axít amin. Thận cũng sản xuất các hóc môn như calcitriol, renin, và erythropoietin. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều duy trì những thói quen gây hại cho thận. Uống nhiều caffein: Caffein trong trà, cà phê có thể làm tăng huyết áp và gây áp lực lên thận của bạn. Uống cà phê quá nhiều sẽ không tốt cho thận của bạn. Ngoài ra, caffein còn là một chất lợi tiểu. Vì vậy, bạn sẽ mất nước nếu uống quá nhiều caffein. Ăn, uống nhiều muối: Giống như caffein, muối làm tăng huyết áp, khiến thận của bạn phải làm việc nhiều hơn, đồng thời lượng máu trong thận không thể duy trì lưu thông được bình thường, do đó dễ gây tổn hại cho thận. Ăn, uống nhiều đường: Ăn nhiều đường làm tăng hàm lượng protein trong máu, khiến thận phải tăng năng suất làm việc. Trên thực tế, những người thích ăn ngọt có nhiều khả năng có protein trong nước tiểu của họ. Đây là một dấu hiệu cho thấy thận của bạn không điều chỉnh được chức năng, cơ chế hoạt động của nó. Ăn quá nhiều thịt động vật: Chất đạm trong các loại thịt động vật, đặc biệt là thịt đỏ làm dưa thừa protein trong cơ thể, tăng áp lực trao đổi chất của thận. Bạn không cần bỏ thịt hoàn toàn, hãy bổ sung protein thực vật bằng các loại ngũ cốc, đậu phụ. Lạm dụng thuốc giảm đau: Nhiều loại thuốc giảm đau ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của gan và thận. Nếu bạn phải dùng chúng thường xuyên, hãy nhờ bác sĩ tư vấn và cắt giảm liều lượng của chúng ở mức tối đa. Uống nhiều đồ uống có cồn: Cồn trong rượu, bia và nhiều đồ uống khác vốn là chất độc hại. Vì vậy, thận và gan của chúng ta phải làm việc hết công suất để loại bỏ những chất đó. Nhịn tiểu: Một số người thường quên không đi tiểu hoặc cố nhịn để làm nốt việc khiến nước tiểu bị giữ lại trong bàng quang quá lâu. Các chuyên gia cho rằng việc nhịn tiểu quá lâu có thể gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm đài bể thận. Một khi bệnh nhiễm trùng này bị tái đi tái lại thường xuyên, nó sẽ dẫn đễn nhiễm trùng mãn tính và rất khó để phục hồi sức khỏe của thận. Không ngủ đủ giấc: Giấc ngủ cho phép cơ thể có thời gian để hồi phục các tế bào bị ảnh hưởng bởi những gốc tự do (tạp chất tạo ra trong quá trình trao đổi chất) sau một ngày hoạt động, trong đó bao gồm các tế bào của thận. Nếu bạn rơi vào tình trạng thiếu ngủ, giai đoạn phục hồi này không thể diễn ra. Không uống đủ nước: Nếu không uống nước trong một thời gian dài, lượng nước tiểu sẽ giảm đồng nghĩa với việc các chất thải và độc tố trong nước tiểu sẽ tăng lên. Các bệnh lâm sàng thông thường như sỏi thận và thận ứ nước có mối quan hệ chặt chẽ với việc không uống đủ nước mỗi ngày. Thiếu hụt vitamin và khoáng chất trong khẩu phần ăn: Ngoài nước, cơ thể bạn cũng cần các vitamin và khoáng chất để giảm nguy cơ mắc các bệnh về sỏi thận và suy thận. Vitamin B6 và magie là hai yếu tố cực kỳ quan trọng giúp phòng ngừa sỏi thận. Bạn có thể bổ sung B6 từ cá ngừ, thịt gà, thịt heo, khoai tây; magie từ quả bơ, sữa chua và chuối. Hà ThuNguồn: Littlethings