Đôi khi, các bậc cha mẹ thường làm hộ con quá nhiều mà chẳng hiểu rằng người lớn không thể sống cuộc sống của con cái mình. Nhiệm vụ của chúng ta là giúp con phát triển và có được trải nghiệm riêng, nhưng điều quan trọng là đừng lạm dụng nó.
Dưới đây là một số điều mà theo các chuyên gia tâm lý bố mẹ không nên làm thay con.
1. Trả lời thay con
Đứa trẻ sẽ cảm thấy vui và "rất oai" khi được ai đó hỏi: "Oh, tên của cháu là gì vậy?". Nhưng đúng lúc đó, cha mẹ lại nhanh nhảu đáp thay: "Cháu là Jason". Sẽ thật tuyệt nếu thói quen này chấm dứt khi đứa trẻ học nói và có thể nói thành thạo. Bạn có thể gợi ý cho con về những điều con nên nói nhưng hãy chắc chắn đừng bao giờ lấy đi cơ hội được tự đưa ra ý kiến riêng của con.
2. Làm mọi cách để trở thành bạn của con
Nhiều bậc cha mẹ cố gắng trở thành bạn với con của mình và họ không muốn con giữ bất kỳ bí mật nào với họ. Không khó hiểu vì sao cha mẹ lại muốn như vậy, nhưng hãy nhìn vấn đề sâu sắc hơn. Một người bạn có thể nói chuyện với nhau một cách bình đẳng. Và bạn có thể nói bất cứ điều gì với một người bạn.
Tuy nhiên, cha mẹ có một vai trò khác: quan tâm và yêu thương con. Vì vậy, không cần cố gắng để làm bạn thân của con. Hãy cho trẻ tìm kiếm bạn bè của mình trong số những người bằng tuổi. Mẹ và bố ở đó khi trẻ cần tình yêu và sự giúp đỡ. Hãy nói không với mối quan hệ quá chặt chẽ, thay vào đó hãy học cách hỗ trợ và tôn trọng nhau.
3. 'Muốn' và 'Cần'
Chúng ta biết rằng bông cải xanh tốt cho sức khỏe hơn bánh kẹo và giày thể thao hữu ích hơn một con búp bê. Vì vậy, chúng ta muốn hướng đứa trẻ đến những điều cần thiết cho chúng. Nhưng điều này cũng dễ khiến chúng ta áp đặt đứa trẻ, mong muốn và mục tiêu của chúng. Đứa trẻ trở thành "nạn nhân" của sự kiểm soát gát gao từ bố mẹ mình hoặc chúng sẽ nổi loạn chống lại tất cả mọi người.
Vì vậy, hãy tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của trẻ thay vào đó. Nếu bạn cần dạy cho con những thói quen tốt, đừng làm điều đó một cách thô bạo. Làm gương trước rồi nhẹ nhàng, kiên nhẫn hướng dẫn cho con.
4. Giúp con quá nhiều
Trẻ 2 và 3 tuổi có thể tự mặc, cởi nhiều loại quần áo khác nhau, rửa cốc và để quần áo bẩn vào trong máy giặt. Hơn thế nữa, ở thời đại này, trẻ em thực sự muốn tự mình làm điều đó.
Nhưng nhiều bố mẹ vẫn giúp con mặc đồ cho tới khi kết hôn. Họ biện luận cho hành vi của mình vì: "Thằng bé/con bé không thể làm được". Bố mẹ nuôi con, nhưng không cho con được tự làm việc trong khả năng, không để con thử nghiệm. Và kết quả là hình thành những đứa trẻ không biết sắp xếp cuộc sống gọn gàng hoặc không muốn giúp đỡ bố mẹ.
5. Quyết định sở thích của con
Nhiều bố mẹ thường cố gắng áp đặt thị hiếu âm nhạc, sở thích sách và phong cách quần áo cho con mình. Đó là ý định tốt nhưng nó làm giảm tính cá nhân của một đứa trẻ. Trong nhiều trường hợp, nó dẫn đến một sự phản kháng khi đứa trẻ làm ngược lại hoàn toàn.
Cách bố mẹ nên làm là lắng nghe con để biết được sở thích phim ảnh, gu âm nhạc của con. Thậm chí, bạn cũng nên thảo luận với con những chủ đề liên quan đến thần tượng của chúng.
6. Kiểm soát tiền tiết kiệm của con
Mỗi đứa trẻ cũng cần có những lúc tiêu tiền của chính mình. Những gì bạn không nên làm là thẩm vấn trẻ và cố gắng tìm ra chúng có bao nhiêu tiền tiết kiệm. Đặc biệt, bạn không nên kiểm tra túi xách, túi quần áo của trẻ. Điều này làm mất lòng tin của chúng ngay lập tức.
Việc biết con có bao nhiêu tiền có lẽ không quan trọng như bạn nghĩ. Hãy cho con tiết kiệm để làm điều gì đó chúng muốn. Thay vào đó, bạn nên dạy con cách quản lý tài chính cá nhân, chi tiêu hợp lý.
7. Quyết định điều con quan tâm
Mẹ muốn con gái chơi violin và sẵn sàng đưa bé đi khắp thành phố để học nhạc 3 buổi mỗi tuần. Bố muốn con trai mình chơi bóng đá mỗi tối. Và trong tiềm thức, bố mẹ cố gắng áp đặt một sở thích, mối quan tâm lên con cái mình.
Lời khuyên cho bạn là hãy kiên nhân và quan sát con mình thay vì quyết định giúp con. Chú ý đến sở thích và khuynh hướng của chúng. Hãy hỏi con về những gì chúng thích và sau đó để cho chúng phát triển trong lĩnh vực này.
8. Coi thành công của con là của mình
Các bà mẹ hiện nay hay đăng trên trang Instagram hay Facebook của mình nhiều hình ảnh và bài viết kiểu như: "Chúng tôi đã đã bắt đầu ăn dặm", "Chúng tôi đã biết đi"... Tuy nhiên, hãy hiểu đó là cách họ ủng hộ con mình theo từng bước phát triển chứ không phải là thành công của các bà mẹ. Với lối suy nghĩ đó, mọi thứ sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi bố mẹ bắt đầu nói về trường đại học hay công việc của con mình. Và những đứa con thường không thích điều này.
9. Chọn quà thay con
Khi một đứa trẻ có thể nói, chúng có quyền lựa chọn những gì chúng muốn, quà tặng là thứ như thế. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng có thể để cho con tự do lựa chọn nhưng hãy trao cho con những điều quan trọng: khả năng tự chọn, ra quyết định và đối mặt với hậu quả. Những kỹ năng như vậy sẽ hữu ích cho con bạn khi chúng trưởng thành.
10. Xâm nhập vào cuộc sống cá nhân của con
Điều này đặc biệt cần lưu ý đối với những phụ huynh của trẻ tuổi teen. Trẻ có bạn bè và những cuộc hẹn hò đầu tiên. Điều đó là bình thường và hoàn toàn tự nhiên. Một cuộc thẩm vấn: "Anh chàng đó là ai?" sẽ có thể làm cho con của bạn khó chịu. Nhưng cũng có những đứa trẻ sẽ chia sẻ chuyện cá nhân như vậy với cha mẹ khi chúng cảm thấy an toàn. Thay vì tra hỏi, hãy để con có không gian riêng, và cũng đừng hỏi quá nhiều nếu con không muốn chia sẻ chi tiết. Đặc biệt, đừng bao giờ đọc nhật ký của con.