Trẻ dưới ba tuổi chưa thể nói hoặc vốn từ không đủ để diễn đạt nên giai đoạn này, bố mẹ chỉ có thể nhận biết bé bị bạo hành thông qua những biểu hiện thay đổi của cơ thể và tâm lý trẻ. Phần nhiều những vụ bạo hành trẻ em trong thời gian gần đây đều liên quan tới trẻ nhỏ trong tuổi mầm non - độ tuổi mà các bé còn chưa có khả năng phản kháng và cũng chưa thể nói ra những nỗi đau đang phải chịu đựng.
Thời gian có thể làm liền vết thương, làm mờ vết sẹo trên cơ thể nhưng không thể xóa nhòa những tổn thương trong tâm trí và tâm hồn trẻ. Những em nhỏ từng là nạn nhân của bạo hành trong thời gian dài có thể bị thay đổi tính cách, đang hiền lành bỗng trở nên hung dữ, lì lợm hoặc trẻ từ vui vẻ, vô tư bỗng lại nhút nhát, không muốn tiếp xúc với người khác. Có không ít trẻ bị ảnh hưởng tâm lý đến mức ảo giác, khủng hoảng tâm thần và gây ra tự kỷ.
Những tổn thương này có thể hồi phục, cũng có thể sẽ đi theo các em mãi mãi nếu như gia đình không có biện pháp hỗ trợ điều trị. Bố mẹ có thể cùng con nhận biết và phòng chống bạo hành bằng những hoạt động thường ngày như: Quan tâm, chia sẻ áp lực đối với giáo viên chủ nhiệm của con; thường xuyên thăm hỏi tình hình học tập, ăn uống và sinh hoạt của các bé tại trường; trước khi cho con đi học, bố mẹ cần cố gắng dạy con những kiến thức cơ bản trong cuộc sống để tự lập hơn khi tới lớp. Và đặc biệt, bố mẹ cần quan sát những thay đổi của con mỗi ngày để bảo vệ con ngay cả khi con chưa nói ra.