1. Môi có nhiệm vụ gì?
Về mặt giải phẫu thì môi chỉ là "cửa ngoài" của miệng, là "đầu trên" của ống tiêu hóa, được cấu tạo bởi niêm mạc xếp nếp. Chỉ có bấy nhiêu thôi nhưng môi có rất nhiều nhiệm vụ:
- Tham gia trong động tác ăn, uống.
- Tham gia trong động tác phát âm, tạo giọng nói của mỗi người.
- Biểu lộ tình cảm yêu ghét: chu mỏ, trề môi, mím môi, cười chúm chím, cười toe toét...
- Biểu lộ tình yêu bằng động tác hôn.
2. Có phải đôi môi là trạm đón nhận tình yêu?
Đúng, bởi nơi đây có nhiều thần kinh cảm giác. Hôn môi là biểu hiện đặc biệt của tình yêu đôi lứa, nó chứng tỏ đôi bên đã muốn hóa thân hóa hồn vào nhau.
3. Tại sao khi hôn người ta hay... nhắm mắt?
Khi hôn, cơ thể tiết ra nhiều chất "ma túy nội sinh" tên là endorphin. Chính endorphin tạo ra cảm giác lâng lâng, bay bổng, đê mê. Nhắm mắt để tận hưởng những cảm giác đó.
4. Khi nào thì họ hôn nhau?
Nói về điều này khó quá. Có bạn trai vừa rủ bạn gái đi chơi lần đầu, không cần dò la ý tứ người ta cứ... hôn đại. Cái hôn có thể gắn kết nếu bạn gái đã si mê bạn, nhưng gặp bạn gái nghiêm túc, bạn sẽ bị quy là "lợi dụng", dễ xa nhau lắm.
Thời điểm hôn? Không có quy tắc nào cả, tùy thuộc vào hai người. Nếu đã qua “công đoạn” ngồi gần, nắm tay, vuốt tóc mà bạn gái im lặng thì hãy thử, kẻo tự nhiên ào ào thì... ăn đế giày là cầm chắc.
5. Sao các nàng cứ kỹ thế?
Có nàng bảo rằng: môi người ta chứ có phải "của chùa" đâu mà muốn làm gì thì làm. Nhưng các nhà "yêu học" thì bảo: nụ hôn là cái mốc chấm dứt tình yêu lãng mạn nên chớ vội!
6. Qua tình yêu lãng mạn thì đến tình gì?
Bạn cứ "kỹ lưỡng" thế. Bạn có thấy ai hôn mà chỉ "chìa" môi từ khoảng cách nửa mét không? Hôn thường kèm động tác ôm siết lấy nhau, hai cơ thể gần gũi tới cỡ đó thì thường họ muốn gần hơn nữa.
Bước qua ngưỡng này là bắt đầu những ham muốn về thể xác. Nguy hiểm không? Bởi vậy các bạn gái nên hiểu điều này đừng dễ dãi ban phát nụ hôn đầu đời rồi lại tiếc.
7. Hôn môi qua cái nhìn của bác sĩ thì sao?
Bạn vẫn bảo bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng. Thì đây, các nhà vi trùng học bảo rằng: động tác hôn đã "truyền" cho người được hôn chừng 5 triệu con vi trùng và nhận lại với số lượng tương đương.
Nghe mà khiếp, một ngày nào đó chúng ta sẽ được khuyến cáo rằng: trước khi hôn nhau nên làm động tác sát trùng! Nghe vậy chắc nhiều bạn phản ứng kịch liệt: thế thì còn hứng thú nỗi gì.
8. Hôn có lây truyền bệnh không?
Có! Nếu chàng đang mắc bệnh giang mai mà lại có vết lở ở miệng, bạn sẽ bị lây nhiễm loại xoắn khuẩn này dù chưa "yêu sâu" hơn. Nếu chàng bị siêu vi herpes mà đang có vết phồng rộp ở miệng thì cũng vậy.
9. Như vậy hôn là một động tác nguy hiểm?
Theo các nhà sinh lý học thì răng miệng sạch sẽ, không có bệnh tật và có một tình yêu chân chính thì hôn lại có lợi vì truyền cho nhau sức sống. Nó làm cho bạn yêu đời, nhớ nhau và thấy tình yêu tuyệt vời hơn.
10. Thế thì khi yêu nên hay không nên... hôn?
Một nhà tâm lý học hay nói câu này: "Yêu mà không được hôn thì... chết còn hơn". Nụ hôn là động tác không thể tránh khỏi đối với một cặp yêu nhau. Có điều đi chơi với người yêu bạn nên đánh răng sạch sẽ kẻo khi "thì thầm" mà hơi thở bốc mùi ớt, tỏi thì người ngồi cạnh sẽ không vừa lòng đâu. Hôn mà có ba cái mùi gia vị ấy thì nụ hôn thường là kém nồng nàn.
(Theo Thanh Niên)