Theo Nam Anh (Namanhsuit), với việc học cách quản lý tài chính, tiêu xài có trách nhiệm song song đầu tư thông minh, bạn sẽ tạo ra thay đổi đáng kể sau 5-10 năm, khi bước vào độ tuổi 30. Để đạt được tự do tài chính, tích lũy được nhiều từ sớm, Nam Anh gợi ý bạn tránh chi tiền vào 7 thứ dưới đây.
1. Hàng hiệu
Nam Anh từng rất thích mua sắm quần áo và hàng hiệu đắt đỏ vì nghĩ dùng đồ hiệu là cách để thể hiện bản thân. Anh nhận ra thói quen này chưa phù hợp với mình khi học về tâm lý học tiêu dùng, đọc sách về tài chính như Your Money Or Your Life. Lúc này, anh tự hỏi: "Tại sao người nổi tiếng dùng hàng hiệu? Tạo sao các brand sẵn sàng chi trả hàng triệu cho đến chục triệu USD cho các celebs để họ sử dụng sản phẩm của brand?".
Khi tìm đáp án cho những câu hỏi trên, anh biết mình cũng như một số bạn trẻ đang khao khát một thứ không phải đồ hiệu, mà là "mong muốn được thuộc về và chấp nhận trong một nhóm xã hội nào đó, dù lớn hay nhỏ". Anh giải thích: "Với những người trẻ mới sang tuổi 20, khi chưa có nhiều thành tựu hay giá trị, họ chỉ cần chiếc túi Gucci hay đeo đồng hồ Tudor sẽ cảm giác mình thuộc về hàng ngũ toàn những người thành công, nổi tiếng và xuất chúng nhất trên thế giới như Blackpink hay David Beckham".
Theo Nam Anh, truyền thông đã luôn biết cách xoáy sâu vào tâm lý tự ti của đám đông. Và người trẻ thường dễ bị ảnh hưởng nhất bởi việc này.
2. Sách giấy
Nam Anh thích đọc sách, từng mua nhiều sách giấy. Tuy nhiên, khi dùng sách giấy, anh nhận ra hai vấn đề: Một là, sách giấy chất lượng tốt thì không rẻ, với mức giá dao động trung bình 100-300 ngàn đồng/cuốn. Hai là, anh thường quên đem theo sách giấy khi phải di chuyển xa do đặc thù công việc.
Từ đó, Nam Anh đã chuyển sang mua sách điện tử Kindle với mức giá 3-4 triệu đồng. "Về lâu dài, sách điện tử sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền. Bởi sách ebook trên Kindle thường có giá mềm hơn so với sách giấy, đồng thời có nhiều đầu sách miễn phí", anh bổ sung. Mặt khác, Kindle nhỏ gọn và dễ mang đi, nên Nam Anh có thể đọc sách ở mọi nơi.
3. Phần mềm có tính năng subscription (đăng ký dịch vụ)
Hiện nay, các phần mềm có thêm tính năng subscription đã trở nên phổ biến, từ ứng dụng giải trí đến công việc, học tập. Thông thường, mỗi gói subscription có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Nếu đăng ký nhiều tính năng subscription cùng lúc thì có thể tạo thành khoản chi phí lớn hàng tháng.
Tuy nhiên, Nam Anh nhận thấy nếu chịu khó bỏ chút thời gian để tùy chỉnh phần mềm miễn phí, chúng có thể đáp ứng 90% yêu cầu của bạn. Ví dụ, với việc quản lý tài chính, thay vì dùng các app như You Need A Budget hay Money Lover, anh dùng template có sẵn trên Google Sheet.
4. Mua ôtô
Theo Nam Anh, nếu chưa đủ tài chính, bạn không nên vội vàng mua xe. Bởi lẽ bạn sẽ phải tốn thêm nhiều chi phí phát sinh để xe lăn bánh.
Nhưng nếu quyết tâm mua, bạn có thể mua xe cũ thay vì mới. Nam Anh dẫn chứng về việc anh từng đọc một nghiên cứu, đó là từ lúc bạn mua một chiếc xe mới tinh, lăn bánh khỏi showroom, ngay trong năm đầu tiên xe đã mất 15% giá trị và tiếp tục giảm 30-60% giá trị cho đến năm thứ ba. Tức ôtô mới xuống giá khá nhanh.
Tuy nhiên, điểm trừ khi mua xe cũ là có thể bạn chọn phải xe từng bị ngập nước, đâm đụng. Nếu phải sửa, số tiền bỏ ra có thể rất lớn. Vì vậy, Nam Anh gợi ý bạn tìm hiểu kỹ khi mua xe cũ, bỏ thêm tiền, công sức để nhờ những thợ lành nghề giúp được chiếc xe cũ đảm bảo.
5. Những cuộc vui vô nghĩa
Đó có thể là các buổi cafe để giữ mối quan hệ anh em, bạn bè và đồng nghiệp... Bạn có thể mất tiền bạc và thời gian dành cho những hoạt động có ích hơn, chẳng hạn như đầu tư trung bình hàng tháng.
Để tránh các cuộc vui vô nghĩa, Nam Anh đặt ra quy chuẩn và sẵn sàng từ chối nếu buổi tụ tập có "3 không". Đó là chúng không phải việc gấp và hệ trọng; không dành cho gia đình và bạn bè thân thiết trên 7 năm; không mang lại giá trị hay niềm vui nào cho bản thân.
6. Danh mục đầu tư mà bạn không hiểu
Hiện có nhiều người trẻ đầu tư vào cổ phiếu hay một vài phương thức khác, vì được bạn bè gợi ý hoặc tham gia group trading quảng cáo. Họ chi tiền trong khi chưa hiểu rõ những kiến thức căn bản của danh mục đầu tư. Việc này sẽ khiến họ gặp rủi ro khá lớn, đó là cảnh "mua đỉnh bán đáy".
Anh nói: "Nguyên nhân đến từ hành vi thao túng thị trường từ một nhóm người nhất định, nhằm đẩy giá cổ phiếu tăng hoặc giảm một lượng bất thường".
Do vậy, youtuber gợi ý trước khi đầu tư bất kỳ danh mục nào, bạn cần tìm hiểu kỹ càng và tham khảo phương pháp đầu tư trung bình hàng tháng.
7. Đồ ăn vặt quà chiều
Khi bắt đầu đi làm văn phòng, Nam Anh thích gọi đồ ăn vặt chiều với đồng nghiệp như nem chua rán, trà sữa... Tuy nhiên về lâu dài, Nam Anh nhận ra chúng có hai tác hại. Thứ nhất, những món ăn vặt này không rẻ và có thể tạo thành một khoản chi lớn hàng tháng nếu bạn mua đều. Thêm vào đó, những đồ ăn này có nhiều dầu mỡ và chất phụ gia, có thể ảnh hưởng sức khỏe.
Youtuber Namanhsuit, tên thật là Lê Nam Anh. Công việc chính của Nam Anh là chuyên viên phân tích kinh doanh, giáo viên và nhà sáng tạo nội dung trong lĩnh vực tài chính, đầu tư. Kênh Youtube của anh hiện có 39.000 người theo dõi.
Tú Anh