Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh là chìa khóa vàng cho một sức khỏe tốt. Theo bác sĩ Ayurvedic, dạ dày đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa các cơ quan trong cơ thể, dạ dày khỏe mạnh có thể giúp đánh bay mụn nhọt trên da, khiến chúng ta không cáu kỉnh hay giữ cho cơ thể tránh xa khỏi các bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí là cả bệnh ung thư. Ngược lại nếu không được chăm sóc, dạ dày không khỏe sẽ là tác nhân nguy hiểm dẫn đến bệnh tật.
Sarvangasana
Động tác này rất hữu hiệu trong việc điều hòa chức năng của tuyến giáp, nơi đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành toàn bộ cơ thể, trong đó có bộ máy tiêu hóa, thần kinh và sinh sản, bộ máy trao đổi chất và hô hấp. Bên cạnh đó, nó nuôi dưỡng xương sống bằng cách cung cấp máu và oxy, giúp bạn tránh khỏi rối loạn hệ thần kinh cũng như cải thiện sức khỏe toàn bộ cơ thể.
Cách tập: Nằm trên thảm, hai chân mở cách xa nhau. Từ từ nâng thẳng hai chân lên, đặt hai bàn tay của bạn đỡ lấy phần thắt lưng và hông đến khi chân bạn nâng thẳng lên, hai chân chỉ lên trần nhà. Lúc này toàn bộ trọng lượng cơ thể bạn sẽ dồn vào phần vai. Thở thật chậm và chú ý đặt cằm chạm ngực. Hai cùi chỏ chạm sàn để hỗ trợ cho phần lưng của bạn. Giữ nguyên tư thế này tới lúc nào bạn còn cảm thấy thoải mái. Sau đó, từ từ hạ cơ thể về vị trí ban đầu, tránh đột ngột hạ lưng xuống tư thế nằm để khỏi chấn thương.
Lưu ý: Bạn không nên tập tư thế này nếu đang có chấn thương vùng cổ và cột sống. Nếu bạn bị cao huyết áp, thì việc tập luyện tư thế này bắt buộc phải dưới sự quan sát của master hướng dẫn.
Trikonasana
Tư thế yoga này có tác dụng tăng cường sức manh của chân, đầu gối, mắt cá chân và ngực của bạn. Nó cũng giúp cải thiện hệ tiêu hóa và quá trình trao đổi chất của cơ thể. Ngoài ra, nó còn giúp bạn cân bằng tinh thần, khiến bạn bình tĩnh hơn, giảm căng thẳng và lo sợ, từ đó giúp bạn xóa bỏ chứng dư axit dạ dày, căng thẳng liên quan đến dạ dày như chứng táo bón.
Cách tập: Đứng thẳng, hai chân giang rộng. Chĩa một bàn chân hướng ra ngoài, một bàn chân giữ nguyên. Giang rộng hai cánh tay, uốn cong hông, một tay giơ lên trời, tay còn lại chạm vào bàn chân hướng ra ngoài. Đảm bảo trọng lượng cơ thể cân bằng trên cả hai chân. Thở ra khi bạn uốn cong người xuống, bàn tay phía dưới có thể chạm vào mắt cá chân, gót chân hoặc đầu gối. Nếu cơ thể bạn thực sự mềm dẻo, cố gắng chạm tay xuống sàn nhà. Thở nhẹ và đều để thư giãn cơ thể. Giữ hông của bạn thẳng, không cúi người về phía trước hay ngả ra đằng sau. Hãy giữ nguyên tư thế này khoảng năm nhịp thở. Sau đó thở mạnh ra, trở lại vị trí đứng thẳng ban đầu. Nhắc lại động tác này với bên ngược lại. Bạn không cần phải gắng sức khi tập tư thế này, hãy luyện tập từ từ để trở nên mềm dẻo hơn.
Lưu ý: Không nên tập tư thế này khi bạn có huyết áp cao hoặc thấp, khi bạn có chấn thương ở cổ và lưng, hay khi bạn bị chứng đau nửa đầu, tiêu chảy.
Janusirsasana
Tư thế này lý tưởng để điều trị các vấn đề liên quan đến bộ máy tiêu hóa và giảm căng thẳng. Nó giúp kéo giãn phần lưng, cổ, các cơ ở bắp chân và gân kheo. Đây là một tư thế tuyệt vời giúp thư giãn tâm trí và xua đi chứng mất ngủ.
Cách tập: Ngồi xuống, hai chân để thẳng phía trước. Gập một chân lại, bàn chân chạm vào đùi của chân còn lại. Bàn chân của bạn đặt càng cao trên đầu gối của chân kia, thì các cơ càng căng hơn. Thở ra và đưa hai tay về phía trước. Cố gắng chạm tay vào ngón chân của bạn. Giữ tư thế này trong 5 nhịp thở. Hít vào và trở về tư thế ngồi thẳng ban đầu.
Lưu ý: Không tập động tác này khi bạn có bất cứ tổn thương đầu gối, thắt lưng nào hay khi bạn bị tiêu chảy hoặc hen suyễn.
Bhujangasana
Tư thế này có tác dụng mở rộng phần ngực, cải thiện hô hấp, giảm stress, tăng cường sức mạnh của vai, lưng, bụng và đặc biệt quan trọng là cải thiện hệ tuần hoàn và hệ tiêu hóa. Tư thế này giúp cho axit trong dạ dày hoạt động đúng chức năng, từ đó giúp bạn tránh khỏi các triệu chứng dư axit hay táo bón.
Cách tập: Nằm sấp và thẳng người, trán chạm sàn, hai chân khép hờ. Đặt hai tay trên mặt đất, hai bàn tay chạm sàn, đặt cạnh vai, hai cùi chỏ ép sát thân người. Thở ra, dùng tay nâng thân trên lên, bắt đầu nâng dần từ đầu tới ngực, sau đó tới lưng và xương chậu. Khi nâng hết phần thân trên, đảm bảo giữ cho hai cánh tay thẳng, trọng lực cân bằng đều trên hai tay. Thở chậm và đều, giữ tâm trí tĩnh lặng. Cuối cùng thở ra và từ từ nằm xuống vị trí như lúc đầu. Để đứng dậy, bạn quay người nằm nghiêng sang một bên, dùng một bàn tay chống xuống sàn và nâng người lên.
Lưu ý: Không tập tư thế này nếu bạn đang mang bầu, bị đau lưng hay đau cổ tay.
Balasana
Còn được biết đến là tư thế đứa trẻ, tư thế này giúp bạn tĩnh tâm và hồi phục lại năng lượng tự nhiên. Nó cho phép cơ thể bạn thư giãn, kéo căng cánh tay, lưng và cột sống. Đây là cách tốt nhất để bạn có thể đánh bay stress và loại bỏ các dấu hiệu bệnh tật. Vì vậy sau một ngày lao động mệt mỏi, đây được xem là tư thể hoàn hảo dành cho bạn.
Cách tập: Hãy bắt đầu bằng cách quỳ gối trên sàn, và ngồi lên chân mình. Giữ lưng thẳng và hai tay đặt trên đầu gối. Thở ra, đồng thời hai tay đưa chậm dãi về phía trước theo tư thể đứa trẻ. Khi đã ở tư thế đứa trẻ, bạn thở đều và chậm, thả lỏng toàn bộ cơ thể và tĩnh lặng tâm trí của mình. Cố gắng để trán chạm sàn, tuy nhiên bạn không cần quá gắng sức nếu không làm được. Giữ nguyên tư thế này đến lúc nào bạn vẫn cảm thấy thoải mái. Sau đó, hít sâu và từ từ dùng hai tay đẩy cơ thể ngồi thẳng mà không tác động quá mạnh đến phần lưng của bạn.
Lưu ý: Nếu bạn bị chứng dư axit dạ dày, bạn đang có bầu hay có trấn thương vùng thắt lưng thì bạn không nên tập tư thế yoga này.
Hãy nhớ rằng các tư thế này chỉ có tác động tích cực tới cơ thể bạn khi nó khiến bạn cảm thấy thư thái khi tập luyện. Đừng thúc ép cơ thể mình phải vượt qua giới hạn của nó. Bạn sẽ có thể đạt được dáng tập hoàn hảo nếu từ từ tập luyện hàng ngày.
Theo NShape Fitness