Điểm chung của các bà vợ "siêu quản gia" là giỏi vun vén việc gia đình, chả nề hà điều gì. Đặc biệt là họ muôn vàn lần kính yêu chồng. Hầu hết các bà lệ thuộc 100% kinh tế vào chồng, ở nhà ông xã nuôi hoặc có đi làm thì lương chỉ đủ tiêu vặt. Vì thế, các ông tự cho mình cái quyền sinh sát trong nhà.
Chồng đi làm, chị Bích thầu hết việc nhà, từ nấu ăn, dọn dẹp cho đến sửa đồ đạc hư hỏng… Không những thế, chị quản luôn việc chăm sóc mấy sở thích của chồng là lũ chó và cá cảnh: từ tắm chó, tìm diệt xà mâu, chải lông rồi cho cá ăn, súc rửa hồ, lo cá đẻ… Chồng chị chỉ có mỗi "nhiệm vụ" mỗi khi về nhà là vuốt ve chó và nằm ngửa trên salon ngắm cá.
Bạn đến chơi nhà, vợ bưng trà rót nước, anh cũng không thèm giới thiệu, để bạn lầm chị là ôshin. Một lần lo đong đưa với mấy cô gái trẻ, anh bị xe tông gãy chân, vợ vào viện chăm sóc, anh cũng lờ tịt màn giới thiệu khiến đồng nghiệp vào thăm cứ nghĩ chị là họ hàng dưới quê. Thế nên chị mới than: "Các cô ghẹo chồng mình ầm ầm mà anh ấy không nói gì, chẳng lẽ mình đứng lên tự giới thiệu: Tôi là vợ đây này".
Lấy chồng 10 năm, nhưng ngoài chợ gần nhà, siêu thị xa xa một chút và trường học của con, chị Tú không biết đến bất cứ tụ điểm vui chơi giải trí nào trong thành phố. Những ngày nghỉ hàng tuần, lễ, Tết, chồng chị chở con đi chơi đều đều, nhưng không bao giờ cho vợ đi theo, vì: "Ở nhà cho khoẻ, đi đâu cho mệt!".
Cơ quan chồng cho tổ chức du lịch thì anh luôn đi một mình, chị thì ở nhà với lý luận: "Hai vợ chồng đi hết, ăn trộm vào thì sao?". Sau này nhà có ôshin, ông xã vẫn tiếp tục đi chơi một mình vì đã thuyết phục được vợ: "Không có ai ở nhà, ôshin nó cấu kết với kẻ gian phá nhà mình".
Cùng chung kiểu bị "giam lỏng" ở nhà như chị Tú, là bà xã anh Văn. Bất cứ một việc giao tế nào, từ đi đám cưới, đám giỗ, sinh nhật, tân gia… cũng chỉ thấy mỗi anh Văn tham dự cùng thằng nhóc, còn vợ bị giấu kỹ trong nhà, dù chị là người lo cho chồng từ cái phong bì đám cưới cho tới bánh trái cúng, viếng, quần áo để anh dùng. Khi bạn bè hỏi, anh Văn đều nhăn nhó: "Thúc cô ấy đi hoài mà không chịu đấy". Trong khi đó, bà xã anh Văn lại than với vợ của người bạn thân: "Muốn đi lắm mà anh ấy nói đi đâu kéo cả nhà, kỳ lắm".
Không coi vợ ra gì là thái độ chung của các ông chồng kiểu này. Từ mua sắm, thay đổi đồ đạc trong nhà, chọn trường cho con, chọn ngân hàng gửi tiền… đều do ông quyết định hết, không thèm tham khảo gì ý kiến của "nửa kia".
Trong khi đó, vợ lỡ có tự quyết cái gì nhỏ xíu như chuyển từ dùng gas đỏ sang gas xanh chẳng hạn, cũng bị quy chụp là tự tung tự tác. Lắm ông còn quy định cả tiền tháng cho vợ. Mỗi lần muốn chi khoản nào ngoài kế hoạch, bà xã lại phải trình chồng xem có được duyệt không.
Các bà vợ vốn truyền tụng nhau câu châm ngôn: "Sau lưng người đàn ông thành đạt là hình bóng của người vợ", và lấy đó là mục tiêu phấn đấu... quên thân vì chồng. Cái ý thức vợ là phải hy sinh cho chồng được các bà, các chị sao y bản chính từ đời này qua đời khác, mà không chịu cập nhật, thay đổi, để có thể làm tròn vai vợ hiền mà không tự biến mình thành "siêu quản gia" cho chồng.
Bởi, nếu cứ xả thân kiểu đó, phần thiệt thòi đương nhiên thuộc về phụ nữ. Các ông chồng chắc chắn không tìm thấy sự hấp dẫn từ những bà vợ suốt ngày cắm mặt vào chuyện bếp núc, con cái, và nhẫn nhục chịu đựng sự coi thường của bạn đời… Kiểu vợ “chiếc bóng” như vậy sẽ là cái cớ để các ông đi tìm của lạ, ương ngạnh hơn và đương nhiên là quyến rũ hơn các bà lúc nào cũng nhàn nhạt, không có mùi vị gì.
(Theo Tuổi Trẻ Cười)