Những gì tôi cảm nhận được về Duyên là sự năng động, lịch thiệp của một cô gái trí thức, hiện đại.
Sau phần chào hỏi xã giao, mẹ tôi xuống bếp chuẩn bị bữa trưa. Duyên cũng nhanh nhẹn nối gót mẹ tôi với nhã ý phụ một tay, làm ai cũng hài lòng. Duyên thân mật: “Bác nấu ăn khéo quá, mỗi ngày con sẽ tranh thủ đến nhờ bác dạy nấu ăn chứ Vũ (tên em tôi) kén ăn dữ lắm. Sau này, không khéo là con... mất Vũ như chơi!". Mẹ tôi chưng hửng trước câu phát biểu quá... hồn nhiên của một cô gái mới... 22 tuổi!
Rồi từ đó, cứ chủ nhật, Duyên lại tới (lạ một điều là ít khi thấy em tôi chở Duyên tới), cô lăng xăng quét dọn nhà cửa, vào bếp phụ mẹ tôi y như một cô con dâu thứ thiệt, dù mẹ tôi ngăn cản. Một hai lần, mẹ tôi rất có cảm tình với cô gái tính tình bộc trực, không khách sáo, lại ham học hỏi. Nhưng càng về sau, tỷ lệ nghịch với số lần đến nhà của Duyên cũng như sự nhiệt tình hơi thái quá của cô bé, mẹ tôi bắt đầu dị ứng với sự dạn dĩ quá đáng ấy.
Em tôi càng khó xử hơn, vì theo nó, giữa hai đứa chưa có gì thân mật đến mức như thế. Sáu tháng quen biết, Vũ chưa có ý định gì “nghiêm trọng” hơn ngoài mối quan hệ mới trên mức bạn bè một tí. Nhiều lần, Vũ viện lý do bận việc vắng nhà để Duyên khỏi tới. Nhưng với Duyên dường như chẳng hề gì, cô luôn xem nhà tôi như gia đình ruột thịt! Tôi hiểu sự ngán ngẩm của em mình, nhưng để chia tay Duyên thì chẳng có lý do rõ ràng.
Chuyện của Long, anh đồng nghiệp của tôi, cũng “bi-hài” không kém. Là trưởng phòng tài chính của công ty với tác phong đúng chuẩn của một đấng mày râu thời kỹ thuật số, nhưng Long không đặt nặng vấn đề hình thức mà chỉ đặt yêu cầu về tính cách. Gặp một cô tương đối "đạt chuẩn" trong một câu lạc bộ kế toán mà Long thường xuyên tham gia, Long đã chủ động làm quen và trao đổi số điện thoại, email liên lạc.
Nhưng chỉ sau hai lần gặp mặt và trò chuyện trong cuộc họp, trong khi Long còn dè dặt, giữ kẽ trong việc hẹn gặp, ngược lại, Uyên liên tục email, điện thoại, thậm chí xin địa chỉ nhà Long để đến nhờ tư vấn một số vấn đề trong công việc.
Long vẫn vô tư nhận lời, vì anh không quá câu nệ chuyện ai là người chủ động trong tình cảm. Đi đâu Uyên cũng rủ Long đi theo, không ít khi kêu Long chở và giới thiệu với bạn bè, người thân của mình là... người yêu, làm Long nhiều lúc ngại mà không tiện thanh minh.
Rồi Uyên giục Long đưa mình về giới thiệu với gia đình và trách Long không đưa mình đi chơi cùng bạn bè, trong khi Long vẫn có ý đợi thêm một thời gian để tình cảm sâu sắc hơn. Lúc đầu, mới gặp Uyên, Long cứ ngỡ đã gặp người mình mong đợi và đã dự định dừng chân sau bao cuộc tình không có đoạn kết, nhưng sự tấn công của Uyên làm Long thấy... ngợp và do dự nhiều hơn.
Hối người yêu đưa về ra mắt gia đình, chủ động tấn công, săn đón quá mức hay sớm khẳng định mình đã là "gì gì" đó của các chàng, là thái độ sai lầm của nhiều cô. Trái với việc khẳng định tình cảm của mình, sự nóng vội ấy cho thấy sự thiếu tự tin ở mình cũng như ở người yêu, làm các chàng thấy mình chưa gì đã bị ràng buộc, bị đặt vào thế đã rồi, tệ hơn, điều đó tạo ở phái nam cảm giác các nàng đã... hớ khi chưa gì mà đã...
Một điều nữa là với không ít cô gái, quá nhiều ưu điểm hoặc một ưu điểm nào đó nổi trội quá cũng có nguy cơ trở thành khuyết điểm, ít ra là trường hợp của Duyên. Sự nhiệt tình, tấn công quá mạnh mẽ thường cho kết quả... ngược, khiến các chàng có cảm giác bị "dội", họ sợ bị "xỏ mũi" hoặc "đưa vào tròng" quá sớm. Dục tốc bất đạt! Câu nói xưa chẳng sai bao giờ.
(Theo Phụ Nữ Chủ Nhật)