Ỷ Thiên Đồ Long ký đạt rating trung bình 31 điểm, đồng hạng 3 với Đát Kỷ Trụ Vương về tỷ suất xem đài của phim TVB năm 2001. Tác phẩm khép lại hơn ba thập kỷ thịnh hành của phim võ hiệp Kim Dung trên màn ảnh Hong Kong. Tuy nhận bình luận trái chiều, đây vẫn được đánh giá là một trong các phiên bản Ỷ Thiên Đồ Long ký thành công nhất.
Hoán đổi vai diễn
Lúc Ỷ Thiên Đồ Long ký được đưa vào sản xuất, Viên Khiết Doanh, một trong các sao nữ đắt show nhất bấy giờ, được chọn mặt gửi vàng vào vai Triệu Mẫn. Tuy nhiên, cô từ chối vì mắc chứng biếng ăn. Sau đó, nhà sản xuất mời Lương Tranh nhưng cũng bất thành. Cuối cùng, giám chế Trang Vĩ Kiện quyết định chọn Xa Thi Mạn đóng Triệu Mẫn và Lê Tư đóng Chu Chỉ Nhược. Trước đó, Lê Tư thể hiện xuất sắc chân dung Chu Chỉ Nhược trong Ỷ Thiên Đồ Long ký bản điện ảnh năm 1993.
Tuy nhiên, nam chính Ngô Khải Hoa đã đề xuất tráo đổi vai diễn của hai sao nữ. Anh cho rằng vẻ ngoài của Lê Tư khá Tây, phù hợp khí chất ngoại tộc của quận chúa Mông Cổ Triệu Mẫn. Xa Thi Mạn có gương mặt bầu bĩnh và hiền thục, phù hợp với hình ảnh Chu Chỉ Nhược. Thứ nữa, năm ấy Xa Thi Mạn mới vào nghề, nhân vật Triệu Mẫn phức tạp có thể làm khó cô. Nhiều tờ báo, trang tin cho rằng nhờ gợi ý năm xưa của Ngô Khải Hoa, TVB đã tạo nên bộ đôi Triệu Mẫn - Chu Chỉ Nhược đáng nhớ.
Dự án năm ấy cũng mở màn cho mối duyên màn ảnh của Ngô Khải Hoa, Lê Tư và Xa Thi Mạn. Sau này, Lê Tư và Xa Thi Mạn một lần nữa vào vai tình địch trong Thâm cung nội chiến và diễn chung trong Bão cát. Ngô Khải Hoa và Lê Tư đóng cặp thêm hai lần trong Cầu vồng trong đêm và Bàn tay nhân ái 3.
"Ông chú" Ngô Khải Hoa
Ban đầu, giám chế Trang Vĩ Kiện nhắm Trần Hạo Dân cho vai nam chính Trương Vô Kỵ. Đúng theo kế hoạch, anh đã tái hợp Viên Khiết Doanh, bạn diễn cặp trong phim Truyền thuyết người và rồng nổi tiếng trước đó. Tuy nhiên, vai diễn Trương Vô Kỵ cuối cùng được "chốt đơn" cho Ngô Khải Hoa.
Sự thay thế này bị nhiều fan của Kim Dung phản đối kịch liệt. Họ cho rằng Trần Hạo Dân có gương mặt trẻ hơn tuổi, lại là một trong các mỹ nam cổ trang TVB. Trái lại, Ngô Khải Hoa khi ấy đã 36 tuổi, khó thuyết phục trong hình ảnh Trương Vô Kỵ mười mấy, 20 tuổi. Một số người còn cho rằng Ngô Khải Hoa đứng bên Xa Thi Mạn giống hai chú cháu.
Đối lập với độc giả của mình, nhà văn Kim Dung bày tỏ tin tưởng Ngô Khải Hoa: "Tôi chưa xem Ngô Khải Hoa đóng phim cổ trang nhưng qua Bàn tay nhân ái, tôi thấy cậu ấy diễn xuất rất giỏi. Dù cậu ấy bị chê về tạo hình cũng không sao, diễn xuất có thể bù đắp". Khi nhà văn Kim Dung mất cuối năm 2018, Ngô Khải Hoa vẫn nhắc lại câu chuyện này và tỏ lòng tri ân.
Ngoài Ngô Khải Hoa, một số diễn viên khác cũng bị chê không hợp vai. Năm ấy, Mễ Tuyết gần 50 tuổi và Lưu Tùng Nhân đã ngoài 50 được cho là "cưa sừng làm nghé" để đóng Ân Tố Tố và Trương Thúy Sơn (cha mẹ của Trương Vô Kỵ) thời trẻ. Hai nữ diễn viên Giang Hân Yến và Giang Hy Văn ngoài đời là chị em ruột nhưng vào phim đóng mẹ con. Giang Hân Yến hơi trẻ để đóng Đại Ỷ Ty, còn Giang Hy Văn bị chê già so với Tiểu Chiêu.
Những gương mặt cũ
Sau 20 năm ra mắt, Ỷ Thiên Đồ Long ký lưu giữ kỷ niệm cũ về những ngôi sao thời hoàng kim quá vãng của TVB. Chín nghệ sĩ gạo cội đóng vai các cao thủ võ lâm trong phim đã rời xa cõi tạm. Ngôi sao võ thuật một thời Lưu Gia Huy (vai Thành Côn) suy kiệt sức khỏe sau lần bị đột quỵ. Lưu Tùng Nhân, Ngô Khải Hoa, Xa Thi Mạn, Trương Triệu Huy, Ngải Uy... đã kết thúc hợp đồng với TVB và ra ngoài phát triển sự nghiệp từ lâu. Lê Tư, Trần Thiếu Hà (vai Ân Ly), Giang Hy Văn... đã giải nghệ.
Đổi tên ở Trung Quốc
Đầu thập niên 2000, Trung Quốc đại lục quy định phim nhập khẩu không dài quá 20 tập. Ỷ Thiên Đồ Long ký của TVB 42 tập được cắt làm hai phần và đặt lại tựa đề lần lượt là Ỷ Thiên Kiếm, Đồ Long đao.
Khi làm kịch bản, giám chế Trang Vỹ Kiện cùng nhóm biên kịch đã cắt bỏ tối ưu thời tuổi thơ và niên thiếu của Trương Vô Kỵ, tập trung vào giai đoạn sau này. Triệu Mẫn xuất hiện từ tập 14, có nhiều đất diễn cho Lê Tư thể hiện tài năng và trở thành một trong những nàng Triệu Mẫn hay nhất trên màn ảnh.
Dàn dựng và thiết kế xuất sắc
Trang Sina nhận xét Ỷ Thiên Đồ Long ký phiên bản TVB hạn chế ngoại cảnh vì chủ yếu quay trong phim trường. Bù lại, phim rất được đầu tư về phục trang, hóa trang và võ thuật. Một mình Triệu Mẫn sở hữu hơn 20 bộ đồ. Vừa xuất hiện, cô đã thể hiện đúng màu sắc văn hóa Mông Cổ. Kiểu tóc cũng được làm cầu kỳ.
Võ thuật trong phim được dàn dựng công phu và hạn chế kỹ xảo. Vai trò đạo diễn võ thuật được đảm nhận bởi hai tên tuổi nổi tiếng Phan Kiện Quân và Quách Truy. Phan Kiện Quân từng chỉ đạo hành động cho hai phim As Tears Go By, Fallen Angels của đạo diễn Vương Gia Vệ, phim Đường Bá Hổ điểm Thu Hương của vua hài Châu Tinh Trì và nhiều dự án điện ảnh khác. Quách Truy làm nhiều phim nổi tiếng của TVB như Thiên long bát bộ bản năm 1997, Thành trại anh hùng...
Năm ngoái, đạo diễn Vương Tinh công bố Thiên Đồ Long ký bản điện ảnh mới. Dàn sao Lâm Phong, Cổ Thiên Lạc, Huỳnh Hạo Nhiên... bị nhận xét già và tạo hình kỳ quái. Điều đó càng khiến khán giả nhớ các bản phim cũ kinh điển như phiên bản năm 1986 của Lương Triều Vỹ, Lê Mỹ Nhàn, Đặng Tụy Văn và phiên bản năm 2001 của Ngô Khải Hoa, Lê Tư, Xa Thi Mạn.
Phong Kiều (Theo Sina, 163, KK News, Sohu)