![]() |
Ý chí phi thường giúp Thanh Phúc vươn tới đỉnh cao thành công. Ảnh: BĐP. |
Môn đi bộ chẳng phải là môn dễ chơi, nếu không đã có nhiều người đi tập. Độ khó về kỹ thuật luôn đòi hỏi các VĐV phải biết cách tự hoàn thiện mình và cả mẹo... tránh trọng tài. Quãng đường dài 20 km, chạy đã mệt bở hơi tai nữa là đi bộ. Trong các môn, đi bộ khiến các VĐV hay phải thay giày nhất bởi quá trình đi luôn luôn phải tiếp xúc với mặt đất, dân trong nghề gọi là “lỗi bay”. Trên cả quãng đường, các VĐV cũng không được phép uống nước, nên phải tự biết điều chỉnh cơ thể nếu không đành phải bỏ cuộc chơi. Bởi thế, không ít VĐV sau khi hoàn tất quãng đường của mình, chân tóe máu vì ma sát, ngất đi vì mệt và mất nước. Mô tả về môn đi bộ cực khổ để thấy rằng, bất cứ ai theo được cái môn này, ngoài tổ chất thể lực, thể hình thì điều quan trọng nhất chính là ý chí và niềm đam mê. Thiếu một trong những thứ này, coi như chẳng bao giờ có được thành tích.
Thanh Phúc vốn sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, trông chờ vào mấy sào ruộng. Cái nghèo, cái khổ đã khiến mấy chị em nhà Phúc sớm phải tự thân vận động, làm đủ thứ nghề để phụ bố mẹ trước khi theo con đường thể thao. Chính vì là nông dân chính gốc, đã sớm tôi luyện cho Phúc một sức khỏe và ý chí tuyệt vời. Đến giờ, người dân xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) vẫn không thể ngờ cái con bé gày gò, đen nhẻm vẫn thường đi chân đất tới trường cách nhà cả chục cây số, lại vào đội tuyển quốc gia. Tất cả vẫn nghĩ, Phúc lên thành phố để làm “osin” bởi cô là người rất đảm việc nhà. Họ càng không thể ngờ mới 15 tuổi, Thanh Phúc đã có tấm HC vàng quốc gia đầu tiên , tấm HC vàng khiến ai cũng phải công nhận Phúc chính là viên ngọc thô đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, để có được những thành công bước đầu, không tự dưng mà đến. Mười mấy năm trời, bất kể nắng mưa, Phúc vẫn đạp chiếc xe cà tàng đi gần 20 cây số để tới trung tâm TDTT Đà Nẵng tập môn đi bộ. “Cuộc sống mưu sinh vất vả ở quê đã tạo cho Phúc ý chí rất kiên cường nên dù khó khăn đến mấy cũng không thể khuất phục được cô gái nhỏ nhắn này”, HLV Trần Anh Hiệp, người đầu tiên phát hiện ra tài năng và hướng cho Phúc theo nghiệp đi bộ nhận xét. Vốn là dân đi bộ nên chuyện đi bộ hàng chục cây số chẳng có gì sợ với Phúc. Phúc kể hai chị em vẫn thường đón xe bus về thăm mẹ nhưng xe chỉ đỗ cách nhà tới chục cây. Không có tiền, hai chị em tranh thủ tập luyện luôn.
Nội dung đi bộ vốn chịu cảnh thiệt thòi so với các môn khác, ngay cả trong môn điền kinh. Người hâm mộ chỉ biết đến những Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương... chứ có ai biết đến Phúc. Thậm chí sau 10 năm tập luyện và thi đấu, Phúc mới được hai lần đi thi đấu nước ngoài và đều giành thành tích vẻ vang (SEA Games 26 và giải đoạt chuẩn tại Nhật lần này). Phúc cũng chưa một lần được thọ giáo các chuyên gia nước ngoài, chủ yếu tự thân vận động là chính. Điều đó, càng khiến thành công của Phúc ngày hôm nay, khiến lãnh đạo thể thao phải đặt tay lên trán mà suy ngẫm.
![]() |
Lãnh đạo Tổng cục TDTT ra tận sân bay Nội Bài đón Thanh Phúc trở về từ Nhật Bản. Ảnh: Hương Mai. |
Sau thành công tại các giải vô địch quốc gia và đặc biệt là SEA Games 26, hai chị em Thanh Phúc, Thanh Ngưng cũng được tuyển thẳng vào trường Đại học TDTT Đà Nẵng. Cuộc sống bớt cơ cực hơn, cả hai cũng có chút tiền từ thành tích huy chương gửi mẹ. Hàng chục năm chịu bao cảnh thiệt thòi, thành công đến với có gái nhà nghèo giàu nghị lực hệt như một giấc mơ. Hôm nay, Phúc sẽ từ Hà Nội về nhà với mẹ ở Đà Nẵng và chắc chắn hai mẹ con sẽ ôm nhau khóc vì hạnh phúc. Nỗ lực vượt khó cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng.
Mai Hương