![]() |
Chim bồ câu trong trường học, nỗi lo của nhiều phụ huynh. |
Tại buổi gặp mặt giữa Viện Pasteur với các cơ quan thông tấn vào ngày 15/11, bác sĩ Ngô Thanh Long, Trưởng Phòng Chẩn đoán dịch tễ thuộc Trung tâm Thú y vùng TP HCM, khẳng định trong quá trình lưu hành của virus tại đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện virus H3N4 và H4N5 bên cạnh virus H5N1.
Qua giám sát, Trung tâm Thú y vùng xác định có 4 trường hợp nhiễm virus H3 và H4 trên thủy cầm. Có khả năng các chủng virus chia sẻ gien với nhau tạo ra chủng mới, từ đó làm tăng khả năng độc tính. H3 và H4 được xem là virus độc đối với gia cầm. Nhưng hiện nay, Trung tâm Thú y vùng chưa đánh giá được mức độ phân bổ của 2 loại virus này.
Bác sĩ Long cũng khuyến cáo virus H7 vừa được phát hiện ở Đài Loan (H7N3) dễ lây lan cho người hơn cả virus H5 và sớm muộn cũng sẽ xâm nhập vào VN. Đây là nhóm virus H7 thứ hai trên thế giới được phát hiện sau H7N7 ở Hà Lan, vì vậy, việc phòng ngừa hết sức quan trọng.
TS Phạm Hùng Vân, giảng viên Bộ môn Vi sinh Đại học Y Dược TP HCM cho biết, nếu xuất hiện thêm virus H3N4 và H4N5 thì thật đáng lo vì như thế lại xảy ra chuyện tái tổ hợp giữa virus cúm người và virus cúm động vật.
Liên hệ virus H5N1 hiện nay, theo TS Vân, sở dĩ type này nguy hiểm vì có sự tái tổ hợp giữa kháng nguyên virus cúm người N1 và kháng nguyên virus cúm gia cần H5, nếu kháng nguyên H5 bị biến đổi, giúp virus lây trực tiếp từ người sang người thì hậu quả rất khủng khiếp.
Liệu H3N4 và H4N5 có nguy hiểm hơn H5N1 không? TS Vân cho biết khó trả lời xác đáng vì hiện tại chưa có người nào nhiễm các type virus này, nên không ai biết được phương thức lây truyền và độc tính của chúng. Nhưng theo ông cũng cần thận trọng trước thông tin trên vì hiện nay ông cho rằng không một phòng thí nghiệm nào ở nước ta có đủ điều kiện để phát hiện virus mới.
Chuyển kết quả giải mã gien virus H5N1 đến WHO
Cũng tại buổi gặp mặt trên, TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Viện trưởng Pasteur TP HCM, cho biết kết quả giải mã gien virus H5N1 là cơ sở để Viện Pasteur tiếp tục tìm ra những đột biến mới có thể làm virus lây từ người sang người. Hiện nay, Viện Pasteur cũng đang xúc tiến trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để xác định khi nào cần thay đổi chủng kháng nguyên gốc tạo ra vaccine mới. Kết quả giải mã gien virus H5N1 còn đưa ra một chủng virus kháng Tamiflu ở miền Nam vào đầu năm 2005. Tổng cộng hiện nay nước ta đã tìm thấy 2 chủng virus kháng Tamiflu ở cả miền Bắc và miền Nam. Đột biến gien ở vị trí tiếp xúc giữa H5N1 với tế bào vật chủ được ghi nhận rất lạ ở vùng Bạc Liêu, Đồng Tháp. |
(Theo Người Lao Động)