Họa sĩ Xuân Lam (30 tuổi) nổi tiếng từ năm 2016 với dự án Vẽ lại tranh dân gian. Tháng 6/2023, hãng đồng hồ Christophe Claret bị nghi sử dụng bức tranh Hai Bà Trưng của Xuân Lam trong mẫu đồng hồ của họ mà chưa xin phép. Sau một tháng, anh đưa ra thông báo đồng ý cho hãng đồng hồ Thụy Sĩ sử dụng tranh của mình với điều kiện họ ghi rõ tên anh trên bản mô tả sản phẩm.
Gặp gỡ Xuân Lam sau sự việc trên, anh cho biết muốn nhanh chóng khép lại ồn ào để tập trung vào các dự án còn dang dở trước khi lên đường sang Mỹ du học Thạc sĩ Hội họa tại Rhode Island School of Design (RISD) theo học bổng toàn phần Fulbright của chính phủ Mỹ.

Tranh Hai Bà Trưng được Xuân Lam vẽ lại từ tranh dân gian. Ảnh: Website Xuanlam
Học sinh trung bình, lập dị, sợ học văn toán và chỉ thích học những thứ mình thích
Đó là những gì Xuân Lam tự mô tả về mình khi hồi tưởng lại những năm tháng tuổi thơ. Bốn tuổi, anh được mẹ cho học mỹ thuật ở Cung thiếu nhi Hà Nội sau khi sớm thể hiện năng khiếu vẽ tranh. Hồi đó, lớp vẽ chỉ nhận những bạn trên 6 tuổi nhưng chiều theo sở thích của con, mẹ Xuân Lam năn nỉ thầy giáo nhận vào. Xuân Lam kể anh từng được lên báo Họa Mi với bức tranh Kéo lưới và cũng từ đó biết rằng mình muốn làm công việc liên quan tới nghệ thuật trong tương lai.

Họa sĩ Xuân Lam bên tác phẩm 'Ngũ quả' do anh thực hiện.
Ở lứa tuổi thiếu niên, Xuân Lam phải đối diện khó khăn đầu đời khi anh chỉ thích hai môn duy nhất là Mỹ thuật và tiếng Pháp. Giây phút anh nhận ra mình học đuối so với các bạn là lúc không hiểu bài thầy dạy trên lớp vì luôn trốn học.
"Kỳ đầu tiên, tôi bị rớt từ học sinh giỏi xuống tiên tiến, mẹ rất buồn và xấu hổ đến nỗi không muốn đi họp phụ huynh. Sau vài học kỳ, khi mẹ chấp nhận được việc tôi chỉ được học sinh tiên tiến thôi thì tôi lại bị học sinh trung bình", Xuân Lam kể. Từ một cậu bé học giỏi toàn diện 5 năm tiểu học, Xuân Lam trở thành học sinh cá biệt, bị bạn bè nghỉ chơi vì học kém và thậm chí có khả năng không thi đỗ cấp ba.
Mỹ thuật là môn học duy nhất Xuân Lam khi ấy cảm nhận được sự tồn tại của mình trong lớp bởi cậu thường xuyên được bạn bè nhờ vả, thuê, thậm chí là "đe dọa" để làm bài tập vẽ hộ.
Năm lớp 8, mỗi ngày Xuân Lam được mẹ cho 10.000 đồng ăn sáng. Anh nhịn ăn, dành tiền ngồi quán net suốt 4 tiếng đồng hồ. Thời gian ấy, thay vì học trên lớp, Xuân Lam tập trung mày mò tự học photoshop, vẽ đồ họa và học tiếng Anh.
"Tôi học song ngữ Pháp - Việt nên vốn tiếng Anh ban đầu là hoàn toàn không có, muốn nghiên cứu cách chơi điện tử hay các tài liệu photoshop, vẽ đồ họa bắt buộc phải tự học tiếng Anh", họa sĩ nhớ lại. Xuân Lam thừa nhận bản thân chỉ thích và học giỏi những môn mình thích. Những đồng tiền đầu tiên Lam kiếm được là nhờ dịch tài liệu hướng dẫn sử dụng Photoshop trên mạng. Năm 2022, anh đạt 7.5 IELTS trong lần thi đầu tiên, đủ điều kiện nộp hồ sơ xin học bổng.
Khủng hoảng bản sắc cá nhân và bước ngoặt trở thành họa sĩ
Khi là sinh viên năm thứ nhất, khoa Hội họa Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Xuân Lam bắt đầu đi làm thêm nhiều hơn. Anh chăm chỉ nhận tất cả các công việc freelance từ vẽ minh họa, làm logo, thiết kế đồ họa... Tuy nhiên, càng làm nhiều, anh càng sớm nhận ra bản thân bị mất phương hướng, không rõ mình sẽ làm gì trong tương lai, trở thành một họa sĩ, một người làm sáng tạo hay chuyên viên thiết kế đồ họa. Bước ngoặt khiến chàng trai 9X quyết tâm trở thành họa sĩ là khi anh không muốn phải sáng tạo dựa trên ý tưởng của người khác.
"Kể cả bạn có làm giám đốc sáng tạo thì vẫn phải làm để phục vụ một mục đích nào đấy và tôi nhận ra chỉ có làm họa sĩ mới được chủ động trong công việc. Dù tôi không có hình tượng họa sĩ nào để theo đuổi, tôi sẽ tự tạo ra hình tượng của riêng mình", Lam nói.
Cho đến hiện tại, khi nhắc đến Xuân Lam, nhiều người trong và ngoài giới hội họa đều công nhận anh là người đầu tiên vẽ lại tranh dân gian thành công nhờ kết hợp đồ họa.
"Những năm tháng trốn tiết ra quán net đã mang lại 'trái ngọt', nhờ đó mà tôi thành thạo đồ họa và nảy ra ý tưởng làm mới các bức tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống bằng cách vẽ phác thảo trên giấy rồi sử dụng đồ họa để tô màu", Xuân Lam nói.
Trong năm 2016 - 2017, hàng loạt bức tranh như Ngũ hổ, Gà và hoa hồng, Cá đàn... ra đời và nhận được phản hồi tích cực từ khán giả bởi sự thô nhám của bút chì đan xen màu sắc mượt mà, sắc nét của đồ họa.

Họa sĩ chụp cùng tác phẩm 'Ngũ hổ' và mặc chiếc áo in hình tranh dân gian.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tự nhận mình là điển hình của thế hệ 9x thành thị gắn liền với những kênh giải trí như MTV, Disney Chanel, Cartoon Network... anh cũng như nhiều bạn trẻ khác từng lãng quên những giá trị văn hóa truyền thống. Đến khi các bức tranh dân gian của Xuân Lam xuất hiện trên những chiếc cốc, sổ tay, túi tote... thậm chí còn là họa tiết trên áo dài cách tân, anh nhận ra mình muốn theo đuổi nghệ thuật dân gian với mục đích tôn vinh, muốn những người trẻ có thêm tình yêu sự trân trọng với văn hóa Việt Nam. Đó cũng là động lực khiến Xuân Lam thực hiện thêm nhiều dự án như: Dự án công cộng trên phố Phùng Hưng năm 2017, Nghệ thuật đương đại trong nhà Quốc hội năm 2018, Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân - Sông Hồng năm 2020...
"Hãy giữ cái đầu bay bổng nhưng đôi chân luôn đặt dưới mặt đất"
Rhode Island School of Design (RISD) là trường nghệ thuật số một tại Mỹ và xếp hạng ba toàn cầu, theo QS World Ranking 2023. Con số trên khiến Xuân Lam tự hào bởi anh lọt top 5% sinh viên được học bổng toàn phần ở một ngôi trường danh giá về nghệ thuật. Dành cả thanh xuân để chuẩn bị cho kế hoạch du học tại Pháp cho đến năm 2022, một người bạn gửi Lam đường link đăng ký học bổng Mỹ và nói anh hãy thử sức. Trong vòng vài tháng, Xuân Lam thay đổi kế hoạch xin học bổng. Lam kể anh đã làm việc với 300% năng suất bởi trường yêu cầu gửi 10 - 20 tác phẩm và một nửa trong số đó sáng tác trong vòng một năm trở lại đây. Ngoài ra, anh cũng phỏng vấn với toàn bộ giáo viên chính của khoa Hội họa. Sau tất cả sự cố gắng và nỗ lực, tháng 3/2023, Xuân Lam chính thức được nhận học tại RISD và sẽ sang Mỹ học thạc sĩ hội họa vào tháng 8.
Xuân Lam cho rằng để theo đuổi đam mê đã khó, trở thành họa sĩ càng khó hơn và để là một họa sĩ tạo được dấu ấn trong lòng công chúng lại đòi hỏi sự cố gắng không ngừng nghỉ.
"Nếu bạn làm nghệ sĩ, hãy giữ một cái đầu bay bổng nhưng đôi chân luôn đặt dưới mặt đất. Bạn đừng bao giờ tự thỏa mãn với những thành tựu của mình, hãy không ngừng học hỏi để tạo nên một kho tàng kiến thức riêng cho mình", họa sĩ cho biết.
Phạm Linh