Chiều tối chủ nhật 16/4, khi nhóm trầm kỳ của Tuấn và Hiền quảy ba lô về nhà, cả làng Song Bình hầu như thức trắng. Từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau, có ít nhất 60 thương lái và "đội quân tóc dài" túc trực chung quanh ngôi nhà của người "được cội". Các thương lái thi nhau mặc cả, còn cánh phụ nữ thì vạ vật nằm ngồi, chờ các bên ngã giá. Họ không tham gia mua bán nhưng khi mọi việc xong xuôi sẽ được cả bên mua - bên bán "puộc-boa". Đã lâu lắm rồi, kể từ sau chuyến thợ rừng làng Mỹ Hảo, xã Đại Phong trúng đậm trên 100 kg trầm kỳ, nay thần rừng mới "đãi" nhóm nông dân trẻ chuyên đi rừng của làng Song Bình, xã Đại Quang. Là thợ rừng chuyên nghiệp, nhóm của Tuấn và Hiền đã làm vệ sinh mấy chục ký kỳ ngay trong rừng Đắk Lắk trước khi mang về Quảng Nam. "Kỳ nam là số dzách. Đem so, trầm loại một cũng xếp hạng bèo. Trong chục ký họ mang về, cục lớn nhất cân nặng 4,2 kg...". Một nguồn tin cho biết và dự đoán, có thể số kỳ nam mang về còn nhiều hơn vậy nhưng nhóm của Tuấn còn chờ giá mới, cao hơn từ thương lái Sài Gòn. Khoảng 15h chiều hôm qua, vài "đại gia" từ TP HCM tức tốc bay ra. Họ thở dài khi được tin 9,8 kg kỳ nam đã theo hai ông cùng tên B. và một số thương lái Đại Đồng rời khỏi nhà Tuấn lúc 10h sáng với giá chỉ 2,43 tỷ đồng. So với thị trường trong nước, thấp thua nửa giá! Tiếc đứt ruột nhưng nhóm 5 người của Tuấn không thể chờ đợi lâu hơn. Riêng thương lái Sài Gòn lại trúng lô an ủi: thợ rừng Khánh Bắc sau một ngày lao vào rừng đi "mót", tiếp tục mang về làng 7 lạng kỳ nam. Theo dự đoán, lượng kỳ mót sẽ tăng lên từng ngày do hiện nay ngay tại cội kỳ gần biên giới Lào vẫn còn không ít người đào tiếp những nhánh rẽ của cội rễ chính mà nhóm phát hiện đã bỏ băng, không đào. Đến nhà của Tuấn, người "được cội", chỉ còn lại một thùng bia uống dở, những người khách vừa quày quả đi ra. Dấu hiệu việc mua bán đã xong. Anh Đặng Xuân Bình, cũng là một thợ rừng, thay mặt Tuấn tiếp khách đường xa. Anh không tiết lộ thông tin nào đáng giá ngoài bao nỗi gian nan "ngậm ngải tìm trầm". Rồi anh... đố ai tìm ra Tuấn! Kinh nghiệm mách bảo, nhân vật chủ chốt thường "lặn mất tăm" trong thời điểm rất nhạy cảm này. Đồng thời, dù chân thật đến đâu, họ cũng hạ thấp số lượng kỳ nam và nói: "Mỗi người chỉ được hai ba chục triệu đồng...". Giá mỗi ký kỳ nam hiện nay ở TP HCM khoảng 500 triệu đồng. Khi đưa sang Đài Loan, giá sẽ là 50.000 USD/kg, tương đương 800 triệu đồng. Người Hoa thường cất giữ kỳ nam trong nhà thay bản vị vàng, đô la. Giá sẽ tăng lên nữa khi chúng tiếp tục được đưa đến thị trường Trung Đông. Người Ả Rập sử dụng kỳ nam dưới nhiều hình thức, trong đó những ông hoàng, bà chúa sẽ pha tinh dầu kỳ vào bồn tắm, người ngâm thơm nức, hàng chục ngày hương vẫn chưa phai. Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Thường vụ Đảng ủy xã Đại Quang, từ đầu thập niên 1980, sau mùa vụ, đông đảo thanh niên - nông dân Đại Quang lên rừng tìm vận may. Bản thân ông khi còn là học sinh cũng từng "tháp tùng" mấy chuyến nhưng "chỉ là chạy gió". Thời đó sốt rét còn hoành hành, thậm chí có ít nhất 2 người đã bỏ xác giữa rừng sâu. Dù vậy, người Đại Lộc nói chung, dân Đại Quang nói riêng vẫn tiếp tục lên rừng. "Có người sạt nghiệp vì theo kiếp trầm, vàng". Ông Dũng nói thêm: "Việc nghe nói trúng kỳ nam, chúng tôi đang thẩm tra. Nếu trúng nhỏ thì thôi, còn trúng lớn sẽ báo cáo chờ ý kiến cấp trên". Cây gió sanh trên rừng xanh nay đã hết, nay người Đại Quang, Đại Lộc đi tìm kỳ bên dưới những cội đe đã mục trong rừng. Ở ngôi làng đang mùa khô hạn, người ta lại ngâm nga câu hát: "Có người đi trầm kỳ sắm ti vi, tủ lạnh/Cũng có người đi trầm kỳ trút hết lúa phuy". (Theo Thanh Niên) |