![]() |
Đãi trùn chỉ. |
Không biết tự bao giờ, có một xóm trùn chỉ hình thành tại Bến Phú Định (khu phố 3, phường 16, quận 8). Lúc đầu chỉ có khoảng 6-7 người làm cái nghề độc nhất vô nhị này, song dần dần thấy kiếm sống được, số người hành nghề lên tới 50 người, và từ đó hình thành nên “xóm trùn chỉ”. Hầu hết người hành nghề này đều có gốc gác ở Thái Bình.
Chúng tôi theo nhóm đãi trùn của anh Trần Văn Hoàn, gồm toàn những người sàn sàn 26-27 tuổi, mục kích một buổi hành nghề. Đồ nghề là 2 cái vợt lưới và 6 cái chậu nhựa. Đúng 13h, cả nhóm xuống xuồng khởi hành. Chiếc xuồng máy 6 ngựa rẽ sóng về ngã ba Rạch Cát. Trên đường đi, khi gặp ghe lớn chạy ngang, những con sóng như muốn nhận chìm chiếc xuồng mỏng manh, khiến những người khách lạ nhiều lần thót tim. Cứ mỗi lần như vậy, anh Nguyễn Văn Hương, người điều khiển chiếc xuồng, phải tắt máy, để xuồng trôi tự do và nhấc chân vịt lên cho những người còn lại gỡ rác.
Sau hơn một giờ “ngao du”, chúng tôi tới sông Chợ Đệm (ấp 3, xã Tân Nhựt, Bình Chánh). Nhường “tay lái” cho Hoàn, Hương cầm theo 2 chậu nhựa và vợt rồi nhảy xuống nước. Đi thêm đoạn nữa, Thà, một thành viên khác của nhóm, đột nhiên hô lớn: “Dừng lại! Bãi này “đánh” được”. Thử nhìn xung quanh, chúng tôi chẳng phát hiện được dấu hiệu gì đặc biệt, ngoài những rặng dừa nước xanh rì. Hoàn tắt máy, thả neo gần bờ, cầm mái chèo chọc thẳng xuống lớp bùn dưới nước. Đưa cho chúng tôi xem những “sợi” nhỏ li ti màu đỏ hồng bám vào mái chèo, Hoàn giải thích: “Trùn chỉ nè!”, sau đó nhảy ùm xuống dòng nước lạnh buốt với bộ đồ nghề của mình.
Chốc chốc, Hoàn lại lặn xuống... vớt bùn bỏ vào vợt, sau đó trồi lên dùng hết sức lắc qua lắc lại cho bùn trôi hết. Đến khi trong vợt chỉ đọng một vốc “bùn” pha màu đỏ hồng, Hoàn mới cho vào chậu. Liên tục như vậy, sau khi đã “đãi” đầy một chậu, Hoàn ra hiệu cho chúng tôi đưa xuồng qua lấy, đó cũng là lúc gương mặt Hoàn đã tím tái vì lạnh. Rít một hơi thuốc thật dài, Hoàn “rủ” chúng tôi xuống đãi thử. Dòng nước lạnh buốt, cái “nhơn nhớt” của bùn khi thò tay bốc đưa vào vợt khiến chúng tôi có cảm giác “ơn ớn”. Hỏi sao không đi ủng khi làm việc, Hoàn nói: “Làm nghề này thao tác phải nhanh, nếu không, nước rút trơ đáy sông thì coi như đói. Vì vậy “thợ” không bao giờ đi ủng!”. Nói xong anh lại bơi sang bờ bên kia để tiếp tục công việc.
Lúc này, khoảng cách từ chỗ chúng tôi thả neo đến chỗ Hoàn khoảng 600m. “Với khoảng cách như vậy, nếu xảy ra tai nạn thì kêu cứu ai?", Thà cười buồn, đưa 2 bàn chân chi chít thẹo cho chúng tôi xem: “Nếu bị tai nạn như vọp bẻ, đạp mảnh sành thì... tự xử. Chỗ người này đứng cách chỗ người kia đến 2 cây số thì biết kêu cứu vào đâu!”. Rồi Thà khẳng định: “Làm nghề này, ai không dính thẹo, không phải “thợ”. Nhìn cái bóng khuất dần của Hoàn trên mặt nước, chúng tôi không khỏi rùng mình trước những rủi ro luôn rình rập họ...
Theo Người Lao Động, 18h, khi nhiều căn nhà ở hai bên bờ sông Chợ Đệm bắt đầu lên đèn cũng là lúc 4 chậu nhựa của Hoàn đã đầy trùn chỉ. Thà ra lệnh “nhổ neo”. Tổng cộng 5 con người, 6 chậu “hàng”, chiếc xuồng mỏng manh trĩu nặng hơn. Suốt chặng đường về, trời tối đen như mực, lênh đênh trên dòng nước, với sức nặng của chiếc xuồng, chúng tôi hồi hộp vì chỉ cần một con sóng hay một cơn gió cũng có thể làm cho xuồng... lật. Đến 19h, xuồng cập bến Ngã ba Rạch Cát, chúng tôi đã thấy lác đác xuồng của các bạn thợ khác cũng tụ tập về đây.
Thà cho biết: “Nghề này tuy không gò bó giờ giấc, nhưng chua lắm! Nhiều lúc gặp “lái” dưới miền Tây đặt “hàng” gấp, bất chấp trời mưa hay nắng, dù 1 hay 2 giờ đêm cũng phải thức để “đãi” cho kịp. Có những cái Tết, “thợ” chỉ dám nghỉ ngày mùng 1. Những hôm ấy, nhìn cảnh người ta kê nồi bánh chưng nấu dọc hai 2 bờ sông, “thợ” chỉ lặng thinh với một tâm trạng nhớ quê da diết. Phải làm luôn Tết vì nếu không kịp giao hàng, lần sau “mối lái” sẽ “xù” và sẽ đói”.
Mỗi ngày trung bình 1 “thợ” đãi được 50-60 lon trùn, cũng kiếm được 100.000 đồng. Tuy nhiên, thu nhập từ nghề đãi trùn chỉ cũng khá thất thường. Mùa mưa còn đỡ, chứ vào mùa khô, trùn ở các sông rạch không còn, “thợ” phải ra các sông lớn (tận Bình Triệu, Thanh Đa) để đãi. Trùn chỉ chỉ sống ở những con nước có phù sa, sạch và không nhiễm phèn. Nước hôi thối, ô nhiễm như những dòng kênh này thì làm gì có trùn mà đãi...
Thà là người thành đạt nhất trong cái “xóm trùn chỉ” này. “Gia tài” anh hiện có là 5 chiếc xuồng máy (6 triệu đồng/chiếc), 1 chiếc ghe trọng tải 14 tấn dùng để chở cát thuê. Năm 1994, Thà xuất ngũ về quê (Thái Bình) cưới vợ, anh đưa cả gia đình vào TP HCM tìm kế sinh nhai. Lúc đầu anh cũng làm “thợ” đãi trùn chỉ như bao nhiêu đồng hương khác. Đến năm 2001, khi “bạn thợ” ngày càng đông, nhưng không ai làm “mối lái”, dẫn đến tình trạng nhiều khi “hàng” làm ra nhiều nhưng bị ép giá, anh quyết định chuyển sang làm “mối lái”. Dần dần tiết kiệm mua được xuồng máy, rồi cả chiếc ghe chở cát để khi nào “bạn thợ” không đãi được trùn thì chuyển sang nghề đi ghe.
Với giá thị trường hiện nay (dao động từ 1.800-2.000 đồng/lon), cuộc sống của người “thợ” đãi trùn cũng tạm ổn. Nếu tiết kiệm, mỗi “thợ” có thể gửi về cho gia đình ngoài quê mỗi tháng vài trăm ngàn đồng. Sau mỗi ngày đi đãi trùn, “thợ” thường làm ngủ vùi để lấy sức khỏe cho ngày hôm sau. Số còn lại ra các quán cà phê đánh cờ tướng giải trí. Cả xóm hơn 50 anh em, nhưng chỉ có 4 người có gia đình. Nghe đến nghề này dân địa phương ai cũng sợ! Nói gì đến chuyện người ta gả con gái cho!”. Thêm một nỗi lo: liệu nghề đãi trùn có thọ không khi nước các con kênh cứ ngày một đen?