Tổ 21, khu vực 4 có 168 hộ, hơn 890 nhân khẩu với đa phần là những người dân từ các phường của thành phố Huế trôi dạt về xóm Cồn. Phần lớn trong số đó là những cư dân vạn đò từ các phường như Vĩ Dạ, Phú Hiệp, Phú Bình... di tản tự phát kể từ năm 1989, 1990 do đò mục, sợ gặp bão lũ...
Trong số đó có đến 103 hộ (hơn 500 khẩu) đang sống chỉ bằng giấy tạm trú và những nghề tạm bợ như xích lô, xe thồ, phụ hồ, làm thuê, bán dạo, bán thuê. Trẻ em mới vài tuổi đầu đã lăn lê khắp các ngả đường kiếm sống với vé số, lượm ve chai, đánh giày... nên trong hàng trăm trẻ, số đến trường được cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở xóm Cồn, khi cần tiền vay để làm ăn, hoặc lo chuyện bất trắc đột ngột, người dân thường tìm tới các chủ cho vay nóng.
Tổ trưởng tổ 21 Lê Ngọc Thuận cho biết, khu vực này đã được quy hoạch xây dựng Đại học Huế từ năm 1996; chỉ có chừng 10 hộ dân sau này đến ở liều, còn đa phần hộ dân đều đến ở trước đó, “Nhà nước hứa đền bù giải tỏa tái định cư nhưng nhiều năm rồi vẫn chưa thấy triển khai”.
Chính vì vậy nhiều năm nay bà con vẫn cắn răng chịu cảnh sống tạm bợ, nhà không được sửa chữa, cơi nới là bị phạt. Ở đây người dân phải trả tiền điện với giá cao gấp bốn lần, nước sinh hoạt cao gấp sáu lần giá quy định.
Tổ trưởng Thuận nói: “Tối thiểu như tấm chứng minh nhân dân mà chẳng mấy người có được”. Vậy nên nhiều người đành sống cảnh “người lậu” nơi xóm Cồn. Trả lời về việc giải quyết hộ khẩu cho người dân “xóm tị nạn”, ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch UBND phường An Cựu, nói việc này dường như quá khó.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo Đại học Huế đã có văn bản giải trình ý kiến chất vấn cử tri và hứa rằng dự kiến trong quý 1/2005 sẽ “hoàn thành và thông qua dự án đầu tư hạ tầng khu tái định cư cho các hộ dân trong khu vực quy hoạch (trong đó có tổ 21, An Cựu) trình UBND tỉnh phê duyệt và làm thủ tục đầu tư để giao đơn vị có chức năng đầu tư hạ tầng của tỉnh thực hiện”. Thế nhưng nay đã là quý 4, mọi việc gần như vẫn giẫm chân tại chỗ.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)