Trong căn phòng trọ cấp bốn khoảng 15 m2 ở xóm chạy thận Ngọc Hồi, quận Thanh Trì, Hà Nội, ông Phạm Văn Hồng loay hoay dắt xe máy ra ngoài đi chạy xe ôm, tranh thủ ngày không có lịch chạy thận.
Những ngày giáp Tết, người người trở về quê hay ngược xuôi mua đồ trang trí nhà cửa, các bệnh nhân trong xóm chạy thận của ông Hồng vẫn ở lại lọc máu đến tận 30. Nhìn vài ba người chở đào, quất đi qua ngõ, ông Hồng khẽ thở dài bởi người dân xóm ông chưa bao giờ mong Tết. Tết đến, các cư dân trong xóm không chỉ lo cơm áo, mà còn lo lắng cho sức khỏe bản thân.
Xóm có khoảng 15 hộ, đều là người bị suy thận về thuê phòng chữa bệnh. Nhà ít thì một người, nhà nhiều có hai, ba người cùng ở. Người đánh giày, chạy xe ôm, ai trẻ khỏe thì làm may, làm quán ăn. Vài ba người tuổi cao, sức yếu không đi làm được ở nhà trồng rau mầm bán lấy tiền trang trải cuộc sống.
"Nghỉ Tết người ta mong, chứ chúng tôi rất sợ, vì bệnh viện nghỉ, bệnh mà nặng lấy ai chạy thận trong những ngày này", ông Hồng nói.
Ông Hồng "chuyển khẩu" từ thôn Đồng Long, xã Hùng An, huyện Kim Động, lên xóm chạy thận Ngọc Hồi cách đây hơn chục năm. Ông phát hiện bị sỏi thận 28 năm trước, khi con trai ông mới lên hai. Kinh tế khó khăn, ông chạy vạy khắp nơi mới có tiền lên viện phuẫn thuật. Ngày ra viện, ông hay tin vợ bỏ nhà theo người khác, để lại đứa con thơ. Từ đấy, ông Hồng sống cảnh gà trống nuôi con, chật vật làm thuê để có tiền trả nợ đi viện.
Năm 2002, do lao động quá sức, ông một lần nữa nhập viện. Căn bệnh lấy đi 3/4 dạ dày nhưng ông may mắn thoát chết. Đầu năm 2004, bệnh quay trở lại, khiến ông phải lên bệnh viện ở Hà Nội chạy thận tuần ba buổi. Năm 2009, ông Hồng bị thận đa nang, chướng bụng, phải mổ để duy trì sự sống. Tuy nhiên một viên sỏi sát tủy sống không thể phá bỏ, khiến ông sống với những cơn đau mỗi khi thay đổi thời tiết.
Theo ông Hồng, người bệnh ở xóm Ngọc Hồi đều thuộc hộ nghèo, một tuần phải chạy thận vài lần để duy trì sự sống. Tết đến, bệnh viện nghỉ bốn ngày, mùng 4, mùng 5 mới bắt đầu lại, nên người bệnh muốn chạy phải đi dưới dạng cấp cứu, chi phí không được bảo hiểm trả. Nhiều người về quê ăn Tết, không may sức khỏe yếu, mùng 1, mùng 2 đã phải bắt xe ra Hà Nội để lọc máu. Vài người bệnh nặng không về được đành ở lại xóm, lo xếp lịch để được hạy thận trong ngày Tết.
Giống ông Hồng, cô Trương Thị Lê (45 tuổi, ở huyện Mỹ Đức) đã 8 năm nay không có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình. Đi chạy thận về, cô Lê tranh thủ giặt mấy bộ quần áo cho mình và con gái đi làm may ở Thường Tín. Trên cánh tay của cô Lê, những vết kim tiêm, cầu lọc nổi cục sau nhiều năm chạy thận.
Đầu năm 2011, cô phát hiện bị suy thận, cuối năm bắt đầu đi chạy. Khi ấy, một tuần ba lần cô bắt xe từ nhà lên viện rồi lại về. Năm 2015, Liên, con gái đầu lòng của cô Lê, được chẩn đoán bị suy thận độ ba. Năm đấy cô bé đang học lớp 10 được đưa ra Bệnh viện Bạch Mai khám. Cầm tờ kết quả trên tay, hai mẹ con lặng người, không bước nổi.
"Khi biết con cũng bị suy thận, tôi buồn lắm, chỉ muốn chết đi, nhưng lại nghĩ mình chết rồi ba đứa con để cho ai", cô Lê nói.
Từ ngày con bị bệnh, cô Lê cùng Liên chuyển xuống xóm trọ khu Ngọc Hồi thuê phòng để tiện chữa bệnh. Liên học hết cấp 3 xin đi làm may ở Thường Tín. Muốn thi đại học, nhưng tuần 3 buổi chạy thận khiến em không còn thời gian đi học.
Cô Lê tuổi cao, sức khỏe yếu không ai thuê nên ở nhà trồng vài vạt rau mầm bán. Liên đi may tháng nào khỏe, đi đều mới được 3 triệu, tháng nào chạy mệt, ốm phải nghỉ nhiều thì nhận 2 triệu. Số tiền chỉ đủ mẹ con thuê phòng, ăn uống dưới này.
Bệnh tình đặc biệt, cô Lê dùng thuốc chống đông của bảo hiểm không hiệu quả, mỗi lần chạy chồng lại phải gửi tiền lên mua thuốc bên ngoài.
Những ngày gần Tết, thấy hàng xóm sắm sửa, cô Lê lại buồn. 30 Tết vẫn phải ở lại viện chạy thận, cô không thể giúp chồng con sắm sửa, dọn nhà.
"Chồng ở nhà mua được gì thì mua, tôi thấy có lỗi với anh ấy nhưng lại chẳng thể làm gì", cô Lê buồn rầu chia sẻ.
Không thể ăn những món mình thích trong ngày Tết, những bệnh nhân suy thận như cô Lê chỉ dám ăn uống đạm bạc, cố gắng để không phải quay lại viện vào ngày đầu năm mới.
"Tết với chúng tôi chỉ ở trong nhà, chờ đến ngày quay lại viện, thân có bệnh đầu năm không dám sang nhà ai vì sợ mang chuyện chẳng lành cho họ", cô Lê nói.
Nguyễn Ngoan