Vợ chồng anh Hồ Quốc Khanh với hàm răng “bi đát”. |
Người ta gọi cái xóm ấy với cái tên hóm hỉnh: "Xóm... cười mỉm".
Thủ phạm của sự tình này được xác định là do nguồn nước ở đây có nồng độ fluor cao quá mức cần thiết.
Gần 100 năm nay, người xóm Trường phải sống chung với cảnh luôn... cười mỉm. Cả xóm nay đã gần 1.000 nhân khẩu. Biết nguyên nhân là do nguồn nước sinh hoạt, nhiều người sắm bình lọc nước, thế nhưng mọi chuyện vẫn không hề thay đổi.
Bà Nguyễn Thị Nay, đã hơn 70 năm sống ở đây, nói: "Răng đen là do nước uống ở đây có cái gì đó. Lâu rồi, nhiều đoàn cán bộ đến đây khám, hỏi hỏi rồi đi, mọi chuyện vẫn chẳng có gì đổi khác".
Nỗi niềm là thế nên người dân ở đây buộc phải chấp nhận sống chung với những hàm răng đen thâm, rệu rã.
Họ vẫn cười mỗi khi cần thiết nhưng là... cười mỉm. Những cô gái mới lớn thường phải giật mình che miệng trước khách lạ. Cái xóm này vẫn còn nghèo lắm, chuyện đi trám răng thẩm mỹ chỉ mới một đôi người đủ tiền. Tuy nhiên, trám xong một thời gian thì răng cũng đen trở lại.
Nhắc đến chuyện răng, chị Nguyễn Thị Nhàn (24 tuổi) tỏ vẻ mắc cỡ: "Nhiều lần đang ăn, tự nhiên răng em cứ bị rơi từng miếng nhỏ, đem cắn thử thì thấy mềm cứ như... xương heo non hầm quả đu đủ. Em đi trám răng, chi phí mất hết năm trăm ngàn nhưng giờ cũng đang bị tróc dần và gần trở lại... như cũ".
Vợ chồng anh Hồ Quốc Khanh (35 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thanh (30 tuổi) có hai đứa con thì cả nhà cũng rơi vào tình cảnh như mọi người. "Vợ chồng tui thì khỏi nói nhưng mấy đứa nhỏ thì không biết làm sao đây...?", anh Khanh lo lắng nói.
Chị Nguyễn Thị Đào, Trưởng phòng khám khu vực xã Xuân Phước cho biết, trước Tết Bính Tuất này có một đoàn công tác của Bệnh viện răng hàm mặt trung ương TP HCM (Bộ Y tế) đến khảo sát tình trạng bệnh răng đen tại xóm Trường. Qua khám răng cho 35 học sinh ngẫu nhiên ở trường tiểu học Xuân Phước số 1 (đóng tại xóm Trường) đã phát hiện đến 32 em bị nhiễm fluor (trong đó, hơn một nửa bị nhiễm từ nặng đến rất nặng).
Việc nghiên cứu 6 mẫu nước tại xóm Trường cho thấy nguồn nước ở đây bị nhiễm fluor trầm trọng, khiến gần 1.000 người dân của xóm đều bị đen và hư răng. Đoàn công tác cũng đã kiến nghị chính quyền địa phương thay đổi nguồn nước tại xóm Trường.
Thầy giáo Đinh Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Phước số 1 thì hy vọng trường sẽ sớm được... chuyển đi nơi khác, vì đã có một dự án xây dựng trường mới.
Theo thầy Thanh, chương trình nha khoa học đường có đến phát bàn chải và kem đánh răng nhưng tình trạng răng "xuống cấp" vẫn không hề giảm; đáng lo ngại hơn, đối tượng trẻ em là nhóm bị ảnh hưởng hư hỏng răng nhanh nhất.
Đại diện UBND xã Xuân Phước cho biết đã có một dự án cung cấp nước sạch từ nơi khác đến xóm Trường nhưng bao năm rồi vẫn chẳng thấy động tĩnh gì; dự án vẫn còn nằm trên giấy.
(Theo Thanh Niên)