![]() |
Là nhân viên một công ty viễn thông ở Hà Nội, anh Quang chơi chứng khoán gần 2 năm, lăn lộn từ thị trường OTC đến các sàn giao dịch chính thức. Qua nhiều lần mua đi bán lại các loại cổ phiếu chưa niêm yết, anh kiếm tiền tỷ, mua xe hơi, sắm điện thoại xịn rồi đổi cho bà xã con SH. Hội bạn coi anh là "đại gia" mới nổi, biết nắm bắt vòng quay của đồng tiền, thường nhờ tư vấn mua bán vào thời điểm nào, giá cả ra sao. Kiếm đủ trên thị trường OTC, anh lo bảo toàn vốn bằng cách chuyển sang chơi hàng niêm yết. Anh dốc 400 triệu đồng vốn dư, cộng với 800 triệu đồng vay của anh em họ hàng, vào cổ phiếu của Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và Sông Đà 10 (SDT). Trước khi mua, anh cẩn thận nghiên cứu các thông số cần thiết như vốn chủ sở hữu, hiệu suất sử dụng tài sản, tốc độ tăng trưởng (EPS) của 3 năm gần nhất... và hài lòng về số cổ phiếu mình đang có. Thế nhưng, ở đời chẳng ai biết được chữ ngờ. May mắn không mỉm cười với anh như lần trước. Từ cuối tháng 3, các loại cổ phiếu đồng loạt giảm. Vốn anh bỏ ra bị thâm hụt tới 40%. Xót của, Quang sinh chứng mất ngủ, người cứ đờ đẫn như bị mất cắp. Anh vừa tìm cách bán số cổ phiếu còn lại vừa cố xoay thêm cho đủ tiền trả nợ. Anh đã tính tới cả chuyện nếu không đủ tiền trả nợ, sẽ cầm cố chiếc xe Toyota Corola Altis vừa mới tậu được nhờ chứng khoán. Chị Thư, nhân viên truyền thông của một công ty ở Hà Nội, máu chơi "chứng" chẳng kém cánh mày râu. Trót mua cổ phiếu từ hồi thị trường còn ở đỉnh cao, thế nên mấy ngày qua, khi VN-Index xuống dưới 1.000 điểm, chị bỏ bê công việc, suốt ngày tính tính toán toán xoay đủ cách để kiếm 300 triệu đồng trả nợ cho mẹ chồng. Dạo trước, chị năn nỉ bà rút tiết kiệm cho vay, nay muốn yên thân phải lo trả cho bà trước. Chị than thở: "Đổ gần 800 triệu đồng vào chứng khoán đúng lúc thị trường ở đỉnh cao nhất. Giờ nó thoái trào, thế là tiền cứ đội nón ra đi. Vốn của mình thì không sao nhưng của mẹ chồng thì đành phải gồng mình trả". Khốn thay, anh em bạn bè của chị đều là dân buôn "chứng", tiền nhàn rỗi đem hết lên sàn, giờ họ cũng đang chạy ngược chạy xuôi để xoay tiền trả nợ. Cổ phiếu rao bán nhưng rất ít người hỏi mua, giá trả thấp nên đành ôm giấy chờ cơ hội. Bí quá, chị Thư đành làm đơn xin chữ ký cơ quan vay ngân hàng theo dạng tín chấp, thế nhưng thủ tục cũng đang rất lằng nhằng. Ông xã thì liên tục gây sức ép chuyện chị giấu chồng chơi chứng khoán đến khi lỗ mới vỡ lở. "Nước này chỉ còn cách về nhà mẹ đẻ mượn sổ đỏ đem đi thế chấp, cùng quẫn lắm thì lại vay nóng bên ngoài", chị than. Trung, ông chủ của 7 cây xăng tại TP HCM may mắn hơn hai trường hợp trên. Tuy nhiên, không phải còng lưng trả nợ, anh không thể dễ dàng tha thứ cho mình vì đã để chứng khoán nuốt mất gần 2 tỷ đồng, phần lớn tài sản kiếm được sau hơn 10 năm trời vật lộn trên thương trường. Qua nhiều lần thất bại, đầu óc tưởng như đã có sạn, Trung thừa biết kiếm tiền chẳng phải chuyện dễ dàng. Thế mà thấy bạn bè kiếm bộn, anh bỏ ngoài tai lời khuyên của vợ đem gần 5 tỷ đồng tiền tích lũy vứt lên sàn. Thậm chí lúc hăng máu, suýt nữa anh định đem cầm cố 3 cây xăng để lấy tiền "ấp chứng". Dù vậy, anh Trung cho rằng mình vẫn còn may vì trong số hội bạn anh nhiều người đã cầm cố tài sản, vay tiền ngân hàng đầu tư để từ một đại gia trở thành kẻ nợ nần. Ngân hàng thất thu Giới đầu tư chứng khoán ước tính, tới 60% tay chơi trên sàn chơi chứng khoán từ tiền vay, không ít trong số đó phải thế chấp tài sản để vay tiền ngân hàng. Anh Minh Hiếu, nhà đầu tư sàn Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) khẳng định nội bạn bè anh quen, cứ 10 người đã đến 9 người thế chấp tài sản. "Có nhiều cách, nêu nhiều lý do như vay đầu tư làm ăn buôn bán... khiến ngân hàng đồng ý thế chấp. Nhưng thực ra là dùng vốn đi mua chứng khoán. Nếu nói là vay để đầu tư cổ phiếu sẽ bị ràng buộc bởi những quy định ngặt nghèo. Giờ chứng khoán xuống, tôi chưa biết làm sao. Phần trả nợ ngân hàng, phần lo sắp bị thu hồi vốn làm tôi như ngồi trên đống lửa", anh Hiếu tâm sự. Từ hơn một tháng nay, doanh số cho vay đầu tư chứng khoán tại các ngân hàng chững lại, thậm chí giảm so với cuối năm ngoái. Tại Ngân hàng cổ phần Việt Á, dự nợ tín dụng nói chung vẫn tăng 16% so với cuối năm ngoái, song cho vay chơi chứng khoán đã giảm nhẹ. Còn tại Ngân hàng cổ phần Xăng dầu (PG Bank), dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán giảm 20%, nhiều khách hàng thấy thị trường bất ổn đã bán ngay cổ phiếu để trả nợ trước hạn. Trên thực tế, cho vay đầu tư chứng khoán là mảng mang lại siêu lợi nhuận, song đi kèm với nó là rủi ro rất lớn. Chính vì vậy, bao giờ ngân hàng cũng phải nắm đằng chuôi, đưa ra những quy định chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro. Tổng giám đốc PG Bank Nguyễn Quang Định cho biết ngân hàng không chú trọng với mảng đầu tư chứng khoán, bởi rủi ro rất lớn. Hiện PG Bank chỉ cho vay đối với hơn 10 mã cổ phiếu các loại, hạn mức cũng rất thấp, căn cứ theo mệnh giá, cao nhất cũng chỉ gấp 4 lần mệnh giá, chứ không tính theo giá thị trường. Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu (Eximbank) Nguyễn Quốc Hương cho biết, hạn mức cho vay cầm cố cổ phiếu ở Eximbank là 3 lần mệnh giá gốc đối với những cổ phiếu giá cao và bằng 50% giá thị trường với những cổ phiếu thị giá thấp. Trong trường hợp giá xuống quá mức giới hạn cho phép, khách hàng sẽ phải thực hiện theo các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng với ngân hàng, nghĩa là phải thanh toán ngay cho ngân hàng hoặc ngân hàng sẽ thanh lý số cổ phiếu mà khách đã vay tiền để mua. Ông cho biết trong hai tháng qua, tình hình cho vay mảng chứng khoán đang chững lại, nhiều khách hàng thấy thị trường bất ổn đã bán ra để trả nợ ngân hàng trước hạn. Dư nợ cho vay chứng khoán của PG Bank hai tháng qua giảm khoảng 20% so với cuối năm ngoái. (Theo VnExpress) |