Hình xăm ngoài tính thẩm mỹ, hầu như đều gây cho người khác ấn tượng về tính cách mạnh bạo, vượt ngoài khuôn phép thông thường của xã hội nên những người mang hình xăm thường hay bị thành kiến.
Việc xoá đi các hình xăm này không hề dễ dàng như việc bấm chuột vào dấu "undo" của một chương trình máy tính để đưa da trở về tình trạng ban đầu trước khi xăm.
Khi xăm, kim đã đưa mực xăm vào sâu bên dưới lớp da, để xoá phải tìm cách huỷ một số mực đã đưa vào da này. Mực xăm là loại mực Tàu, mực được chế từ than của dép Lào đốt cháy chảy ra hoặc lốp xe hoặc từ sữa của phụ nữ đang cho con bú (những hình xăm này chỉ nổi lên khi uống rượu hoặc uống chất kích thích)... vì vậy rất khó mất đi.
Có trường hợp dùng phương pháp chà xát bằng vật nhám, dùng vật nhọn châm lấy mực ra... nhưng không có kết quả. Vài người đã xài đến biện pháp mạnh như dùng bàn ủi gây phỏng da, dùng acid băng lên vết xăm để huỷ da cùng với hình xăm. Kết quả là vùng da xăm bị tổn thương, nhiễm trùng và cuối cùng thay cho các hình xăm là các vết sẹo lồi dị dạng mà màu mực xăm vẫn còn lốm đốm.
Một số người trước đây xăm chân mày màu xanh đen nay cắn răng chịu đau để chiếu laser tẩy đi vì một mới không còn là màu xanh nữa, hay vì muốn đi xuất khẩu lao động cũng vội vàng tìm mọi cách xoá xăm. Khi viện đến phẫu thuật, biện pháp thông thường là cắt bỏ phần da có hình xăm và ghép da lấy từ nơi khác trên cơ thể.
Việc này được thực hiện với các hình xăm nhỏ (tối đa bằng bàn tay), rất khó thực hiện với các hình xăm lớn (cả lưng, đùi...). Ngoài ra khi cắt bỏ và ghép da mới sẽ lại tạo ra sẹo ở nơi lấy đi lớp da để ghép.
Để xoá hình xăm một số nơi còn có "sáng kiến" pha mực xăm giống như màu da và xăm chồng lên hình xăm cũ. Tuy nhiên thực tế hầu như không thể pha mực và xăm tạo màu hoàn toàn giống màu da của từng người và rồi hình xăm cũng không mất đi mà lại chuyển sang màu mới, các loại mực xăm trộn lẫn với nhau, rất khó cho việc xoá xăm bằng laser sau này.
Lưu ý khi xoá xăm - Do việc xoá xăm dễ gây sẹo, lây nhiễm, khó thực hiện hiệu quả nên chọn thực hiện tại nơi có uy tín cao, như các bệnh viện hoặc các thẩm mỹ viện có bác sĩ và có giấy phép chính thực của Sở y tế. - Nếu xoá xăm bằng laser cần chọn các loại laser không huỷ da như: laser YAG, laser Ruby... tránh laseer C02 gây sẹo. - Cần thận trọng khi xoá xăm bằng các hoá chất không rõ nguồn gốc, tác dụng. - Không nên xoá xăm bằng cách xăm chồng lên màu khác vì kết quả khó đảm bảo mà lại khó khắc phục về sau. - Đối với các bạn vẫn muốn xăm hoặc đã xăm chỉ nên xăm màu đen, hoặc màu đỏ vì 2 màu này dễ xoá bằng tia laser hơn màu vàng, xanh lá cây... lưu ý thêm là mực tàu hoặc các loại mực đen tự chế từ bụi than dễ xoá hơn mực hoá học. |
Theo Thị Trường Tiêu Dùng, khi ứng dụng công nghệ laser vào xoá xăm, một số trường hợp sử dụng laser CO2 do loại thiết bị laser này tương đối thông dụng và chi phí đầu tư thấp. Tuy nhiên do tia laser này tác động vào mọi vật thể có chứa nước, nên cùng lúc với huỷ mực xăm nó cũng huỷ đi lớp da (do có chứa nước) bên trên tạo thành sẹo nơi xoá xăm.
Mới đây công nghệ laser YAG đã đem lại hiệu quả cho việc xoá xăm. Đặc điểm của tia laser này chỉ tác động vào các vật thể có màu sắc phù hợp với bước sóng của tia mà không tác động vào vật thể có màu sắc khác.
Thường các màu đen, xanh đen, đỏ dễ xoá hơn các màu xanh lá, xanh da trời và được ứng dụng trong cả xoá xăm chân mày, dưới mí mắt. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi thời gian và phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Mặc dù có các biện pháp xoá xăm tiên tiến như chiếu laser, ghép da nhưng việc điều trị vẫn không đơn giản, nhiều trường hợp vẫn không có kết quả tốt.
Không phải trường hợp nào cũng xử lý được, chẳng hạn các vết xăm không được lớn quá, tối đa chỉ bằng bàn tay, vì nếu lớn hơn phải lột một vùng da rất nguy hiểm, hơn nữa bệnh nhân cũng không đủ da để ghép. Hoặc những vết xăm quá cũ, xăm bằng máy hoặc dùng mực xăm màu vàng rất khó xoá.