Nhu cầu thành lập ngân hàng mới không chỉ dừng ở loại hình cổ phần, mà ngay cả loại hình ngân hàng 100% vốn nước ngoài cũng đang “sốt”, với 6 ngân hàng nước ngoài bày tỏ nguyện vọng thành lập ngân hàng con, thay vì con số 2 ngân hàng như trước kia.
Lĩnh vực ngân hàng vẫn đang chứng minh là lĩnh vực rất “hot” hiện nay, cho dù để thành lập được một ngân hàng là câu chuyện khó khăn và tốn kém.
Trong số 23 hồ sơ xin thành lập ngân hàng cổ phần đến từ các nhà đầu tư trong nước, có 10 hồ sơ của các tỉnh xin thành lập ngân hàng của “tỉnh nhà”, với cổ đông sáng lập cũng là người của tỉnh nhà.
Không chỉ các tỉnh đang phát triển mạnh, mà các tỉnh còn phải hỗ trợ ngân sách cũng có chung nguyện vọng, phạm vi trải đều khắp cả nước, như Bình Dương, Đồng Nai, Bến Tre, Khánh Hòa, Nam Định, Bắc Cạn, Sơn La, Thái Nguyên... Số còn lại đến từ các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty lớn, như Bảo Việt, FPT, Tiết kiệm Bưu điện, Dầu khí, Kinh Bắc...
Theo một quan chức của Ngân hàng Nhà nước, khi quy chế cuối cùng về thành lập ngân hàng được ban hành công khai và các điều kiện cụ thể được công bố, chắc chắn số lượng hồ sơ không dừng ở con số 23. Tất nhiên, các hồ sơ đã gửi lên cũng phải hoàn thiện lại theo quy định trong quy chế.
Cũng theo quan chức trên, theo đánh giá sơ bộ, một số hồ sơ nộp lên khá đầy đủ, chứng minh được khả năng quản trị điều hành, đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu về vốn (thành lập trước năm 2008 phải có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, 2008-2010 là 3.000 tỷ đồng). Chẳng hạn, hồ sơ của FPT có mức vốn 1.000 tỷ đồng, Liên Việt là 3.200 tỷ đồng, Kinh Bắc là 1.500 tỷ đồng.
Đối với loại hình ngân hàng 100% vốn nước ngoài, Việt Nam sẽ phải cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thành lập theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là các ngân hàng có pháp nhân Việt Nam, được hưởng quy chế đối xử quốc gia, tức là cơ bản được bình đẳng trong hoạt động như các ngân hàng trong nước.
Tính đến thời điểm này, mới chỉ có hai ngân hàng là HSBC và Standard Chartered công khai ý định thành lập. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Ngân hàng Nhà nước, đã có thêm ANZ, hai ngân hàng đến từ Đài Loan, một ngân hàng đến từ Hàn Quốc bày tỏ nguyện vọng thành lập ngân hàng con 100% vốn của mình tại Việt Nam.
Các ngân hàng này đều chưa nộp hồ sơ tới Ngân hàng Nhà nước, bởi hiện tại, Thông tư hướng dẫn Nghị định 22/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh, liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, cũng mới chuẩn bị được ban hành.
Ngoài điều kiện về vốn điều lệ tối thiểu bắt buộc đã ban hành như đề cập phía trên, thì để thành lập được các ngân hàng theo loại hình nào cũng có những điều kiện ràng buộc khá khắt khe.
Theo dự thảo của quy chế hướng dẫn về thành lập ngân hàng cổ phần, cũng như Thông tư hướng dẫn Nghị định 22/2006/NĐ-CP, thì còn hàng loạt các điều kiện ràng buộc khác. Chẳng hạn, phải chứng minh năng lực tài chính của các cổ đông sáng lập hoặc ngân hàng mẹ, chứng minh khả năng quản trị điều hành ngân hàng sau thành lập như kế hoạch phát triển kinh doanh, phát triển công nghệ...
Dù “cánh cửa” cho việc thành lập các ngân hàng mới không phải mở rộng cho tất cả mọi người (bởi những quy định chặt chẽ của nó), nhưng sức hút của lĩnh vực ngân hàng vẫn khiến các nhà đầu tư “xếp hàng” để được bước qua ngưỡng cửa đó.
Thị trường Việt Nam hiện có 81 tổ chức tín dụng, với nhiều loại hình ngân hàng khác nhau và với đà này, sẽ còn thêm nhiều cái tên nữa. Tuy vậy, người dân Việt Nam vẫn “xếp hạng dưới” nếu xét về mức độ tiếp cận các dịch vụ tài chính-ngân hàng.
(Theo Đầu Tư)