Học lái xe thực hành. |
Cách đây vài năm, để duy trì hoạt động, các trung tâm đào tạo lái xe phải thuê cộng tác viên, thậm chí là cử hẳn nhân viên của mình đến các cơ quan thăm dò, mời mọc người đi học. Bây giờ đã khác, cán bộ ở các trung tâm đào tạo lái xe bò ra làm cũng không hết việc.
Hiện nay, nếu tính bình quân mỗi quận của Hà Nội đã có một trung tâm đào tạo lái xe ô tô (tổng số có 16 trung tâm) nhưng ngần ấy vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu học của người dân. Các trung tâm đều rơi vào tình trạng quá tải. Tại phòng tiếp nhận hồ sơ của Trung tâm Đào tạo nghề (Học viện An ninh nhân dân), hồ sơ xin học được xếp thành chồng cao ngất.
Hai cô nhân viên làm việc ở đây tỏ ra quá mệt mỏi vì phải thẩm định hồ sơ, giải đáp thắc mắc của học viên. Mỗi ngày có đến vài chục người đến đây xin đăng ký học. Trung tâm cũng liên tục đầu tư thêm xe mới, bổ sung thêm giáo viên nhưng cũng không đáp ứng kịp với số lượng học viên tăng lên. Một cán bộ của trung tâm cho biết: "Trung tâm vẫn nhận hồ sơ nhưng phải đến cuối năm mới bố trí được lớp".
Theo thống kê của Cục Đường bộ, 6 tháng đầu năm 2005 cả nước đã cấp hơn 80.000 giấy phép lái xe ô tô, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2004. Trong khi đó, số giấy phép lái xe cấp trong tháng đầu năm 2004 đã tăng trên 40% so với cùng thời điểm năm 2003. Mức tăng này tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và đối với loại bằng B1 và B2 (được phép lái xe từ 9 chỗ trở xuống).
Nhân viên làm ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ xin học lái xe hạng B1 và B2 của trường Dạy nghề 10/10 (Quân khu thủ đô) cũng rất bận rộn với việc rà soát lại số hồ sơ đã nhận. Hiện tại, cơ sở này không nhận hồ sơ xin học nữa. Một nhân viên ở đây thông báo: "Nếu muốn học thì đầu năm 2006 quay lại đây".
Theo Thanh Niên, tình trạng quá tải đã làm nảy sinh tiêu cực. Một cán bộ làm việc ở một công ty kiểm toán nhà nước đã bật mí: "Để được học ngay, tôi đã phải đi mua suất học, học phí khoảng 3 triệu nhưng mình phải bỏ ra 6 triệu đồng". Việc mua suất học này cũng không phải dễ, thông thường chỉ có giáo viên hoặc nhân viên của các trung tâm mới thực hiện được.
Ngoài ra còn có một tình trạng khác nữa là dùng thư tay và các mối quen biết để xin cho người quen vào học chen ngang. Theo một giáo viên của trung tâm đào tạo lái xe thì: "Những trường hợp tiêu cực này đã khiến những người nộp hồ sơ theo đường "chính tắc" phải chờ đợi. Một lớp học chỉ có một lượng người nhất định, có người chen ngang thì có người phải đợi là đương nhiên".
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó cục trưởng Đường bộ nói: "Nhu cầu học lái xe ô tô tăng cao là tâm lý của người dân, thực tế không phải ai học cũng có xe lái luôn". Xu thế này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, tình trạng quá tải ở các trung tâm đào tạo lái xe sẽ còn diễn ra.