Trên tường cụm rạp Siam ở trung tâm Bangkok có một bức vẽ khổng lồ ảnh các ngôi sao điện ảnh thế giới và tượng anh chàng “Người nhện” đang bám trên góc cao nhìn xuống (ảnh).
Giới trẻ Thái đi xem phim khá thoải mái với giá vé phổ thông trung bình 120 baht (khoảng 50.000 đồng VN), còn mua thẻ hội viên 650 baht thì xem được 10 phim. Sau giờ tan học lũ lượt từng đoàn áo trắng nam nữ sinh trung học kéo đến rộn rịp phòng vé. Họ mang vào rạp nào bắp rang bơ, ly nước ngọt to đùng (mua ba vé được tặng một ly Coca), nhấm nháp xem phim.
Hộp giấy đựng bắp và ly nước ngọt cũng là phương tiện đắc dụng quảng cáo phim. Ai nặng hầu bao thì mua vé loại 300 baht (cộng nước giải khát 200 baht nữa) vào rạp ngồi ghế bành rộng thênh, có mền đắp, gối ôm, tất ấm bọc chân và bàn để nước uống riêng.
Hai tập đoàn kinh doanh chiếu bóng hàng đầu ở Thái là Major Cineplex (chiếm 40% thị phần) và EGV (30%) đều có ngót 100 phòng chiếu (tổng cộng 22.000 ghế ngồi) và chẳng bao giờ gặp cảnh chợ chiều.
Một trong nhiều lý do khiến giới trẻ Thái mê xem phim và công nghệ chiếu bóng nước này phát triển như hiện nay là vì Thái Lan được chọn để quay nhiều bộ phim Hollywood, các ngôi sao điện ảnh ghé đến thường xuyên nên tạo sức hút dư luận lớn. Bộ phim phương Tây đầu tiên quay tại Thái là phim về điệp viên James Bond 007 (The man with the golden gun với tài tử Roger Moore, 1974).
Một năm sau, phim Emmanuelle (Pháp) quay tại Thái chiếu ở Pháp cực kỳ ăn khách. Nhiều ngôi sao ăn khách đã sang Thái đóng phim như Jean-Claude Van Damme (phim The Kickboxer), Tom Hanks (Volunteers), Mel Gibson (Air America), Piece Brosnan (Điệp viên 007: Tomorrow never dies), Leonardo DiCaprio (The beach)… Phim Thái cũng đang bước những bước dài trên đường đến với thế giới: bộ phim Tropical malady (đạo diễn A. Weerasethakul) đã đoạt giải tại Liên hoan Phim Cannes 2004.
PV Tuổi Trẻ đã mua vé xem thử một bộ phim nội địa Thái có tên Born to fight (Sinh ra để chiến đấu) của đạo diễn T. Taweesuk, kể về một nhóm sinh viên trường thể thao về vùng sâu tặng quà dân chúng và trẻ em trong một ngôi làng nghèo, bất ngờ quân phiến loạn xuất hiện thảm sát và còn chĩa tên lửa hướng về Bangkok hòng san bằng thủ đô. Các sinh viên cùng một số thanh niên làng đã dũng cảm chống lại quân phiên loạn bằng khả năng võ thuật, thể thao của mình.
Dù còn khá nhiều chi tiết “kịch” nhưng phim có các pha action khá hay, tiết tấu nhanh, lẩy được cho người xem thông điệp về sự bổ ích của việc tập luyện thể thao, khơi gợi tình đồng bào, lòng yêu tổ quốc và gián tiếp ca ngợi quốc vương. Đếm trên bảng điện lịch chiếu thì thấy chỉ riêng cụm rạp Major ở Ekkamai, đại lộ Sukhumvit, Born to fight đã chiếu 12 suất/ngày! Trang web của Major cho thấy doanh thu của Born to fight hơn cả những phim Hollywood cùng chiếu giữa tháng 8/2004, khẳng định tuyên bố của Vicha Poolvaraluk, chủ tịch Major: “Chúng tôi quyết tâm đảm bảo phát hành tốt 30 bộ phim Thái/năm”.