Anh Long, một người dân ở Hà Nội, có việc phải đi sang Sài Đồng, Gia Lâm. Anh vẫy chiếc xe ôm đậu ngoài ngõ và được anh xe ôm cho biết: "Bác không có mũ bảo hiểm à? Sang bên đó phải có mũ đấy, nếu không đội mà công an bắt là bác nộp phạt đấy nhé, em không chịu trách nhiệm đâu!". Tất nhiên là anh Long phải đồng ý, vì tiền thuê mũ một lần có 2.000 đồng, còn hơn là bị phạt 150.000 đồng, lại mất thời gian, nhỡ việc.
![]() |
Người trên xe đội mũ bảo hiểm nhưng lại đi xe ba người. Ảnh: Hoàng Hà |
Chụp lên đầu chiếc mũ bảo hiểm sơ cua treo lủng lẳng trên tay lái, anh Long càu nhàu: "Mũ gì mà cũ rích, vừa hôi vừa nhẹ sọp thế này? Mũ rởm à? Thế này thì nhỡ bị ngã chắc mũ cũng vỡ mà đầu cũng vỡ!". Cậu xe ôm ngoác miệng cười: "Thì đội cho có thôi mà, đối phó với cánh công an là chính. Chứ bọn em chạy xe ôm được bao nhiêu đâu là mua mũ xịn".
Thời điểm này, hầu hết những người làm xe ôm đều chuẩn bị hai chiếc mũ để hành nghề và cũng là để tăng thêm thu nhập. Với khách đi xe, giá mỗi lần "đi xe ôm có mũ" tăng lên 2.000 đồng một người. Ở những đoạn đường quốc lộ đông dân cư như dọc quốc lộ 5, quốc lộ 1, đường về Hà Tây, cứ cách những chốt có công an giao thông kiểm tra khoảng vài trăm mét là có hàng chục anh xe ôm "lúc lỉu" trên tay lái là mấy chiếc mũ bảo hiểm. Họ đứng ra sát mép đường, thấy những người đi đường thiếu mũ là ra hiệu nhắc nhở: "Đằng trước có công an đấy!" và hỏi có thuê mũ không. Giá thuê mỗi chiếc là 5.000 đồng. Cánh xe ôm sẽ đi theo những vị khách thuê mũ, qua chốt công an một đoạn thì dừng lại nhận tiền, nhận mũ rồi quay lại, tiếp tục chờ khách mới.
Một người chở xe ôm kiêm thuê mũ trên đường đi Hà Tây cho biết có ngày anh kiếm thêm được gần trăm nghìn đồng từ những vị khách thiếu mũ.
Bình Minh