Những chiếc xe đang được lắp ráp. |
Trong đó, xe Trung Quốc chiếm khoảng 10% thị trường, còn lại là sự cạnh tranh giữa các hãng sản xuất nội địa như Asama, Songtian, Delta, Five Stars, Yamaha, Miyata... Bên cạnh đó, cũng có xe tân trang (xe xuất xứ từ Nhật) được thay bình ắc quy và bán với giá trên dưới 4 triệu đồng mỗi xe.
Khi mua xe đạp điện, chi tiết quan trọng cần chú ý nhất là bình ắc quy. Theo các thợ chuyên về xe đạp điện ở đường Võ Thị Sáu, xe sản xuất tại Trung Quốc, Đài Loan có thời gian sạc bình khoảng 5 giờ, chạy được 30-40km, nhưng về sau thì thời gian sử dụng giảm dần. Trong khi các loại xe nội địa có thời gian sạc bình điện từ 4-8 giờ, chạy được 40-50km. Bệnh thường gặp ở xe đạp điện là bình ắc quy yếu điện, bộ sạc không nạp và tay ga bị kẹt hay lỏng chấu… và cả những trường hợp bình điện không sạc được.
Theo đánh giá của thợ chuyên môn, xe Trung Quốc dù nhiều mẫu mã bắt mắt, giá rẻ hơn cả xe nội địa nhưng chất lượng bình đa số không tốt. Có người thích kiểu dáng xe đạp điện Trung Quốc nên mua về rồi phải thay bình xịn vào mất khoảng 800.000 đồng, tính ra chi phí cũng tương đương với các loại xe nội địa. Ngoài ra, xe Trung Quốc lại rất kén linh kiện thay thế.
Về bình điện của xe đạp, anh Thanh, chủ một cửa hàng bình ắc quy ở chợ Tân Thành cho biết: "Bình ắc quy Trung Quốc, với giá chỉ bằng 2/3, không thể so sánh với các bình đạt chuẩn trong nước". Nguyên nhân giá rẻ là bình Trung Quốc giảm lượng chì, kích thước lắc điện. Bình xuất xưởng sẽ có cường độ không như ghi trên nhãn hiệu nên khi dùng cho xe đạp điện sẽ mau yếu. Bình ắc quy Trung Quốc rất dễ bị rã chì và đóng cặn chì dưới đáy bình. Hiện tượng này sẽ làm giảm thời gian sử dụng của bình sau khi sạc.
Bình điện sử dụng trên xe đạp điện thường là loại bình khô với nhãn hiệu như Đồng Nai, Toshiba, Panasonic, LG. Công suất cũng được chia nhiều loại từ 12 5A - 12 14A, giá bình quân từ 200.000 - 800.000 đồng mỗi bình. Trong đó, loại bình Panasonic, LG là thông dụng và ít hỏng hóc nhất. Loại bình khô không gây tình trạng gỉ sét, bám muối các thiết bị xung quanh bình và cũng không cần phải châm nước định kỳ.
Nếu bạn mua nhầm loại bình tốt nhưng thời gian xuất xưởng trên hai năm thì có thể xảy ra tình trạng chảy nước axít, lỏng cọc điện. Bình điện bị sạc quá đầy, quá lâu thì sẽ dẫn tới hiện tượng bình bị phù, chết lắc điện. Nên đem tới nơi chuyên sửa chữa hoặc các điểm bảo hành, bởi cấu trúc của bình trong xe đạp điện được thiết kế cố định vào một hộp nhựa cứng, tránh mưa gió đảm bảo độ an toàn của bình điện trong lúc vận hành.
Một số xe đạp điện có đèn báo mức độ sạc điện của bình. Khi thấy đèn vàng, đỏ sáng lên là biết hết điện cần phải sạc ngay cho tới khi đèn xanh bật sáng. Nhằm giúp cho người sử dụng đơn giản hoá việc sạc bình, nhà sản xuất đã thiết kế bộ phận sạc bình tự động. Khi bình gần hết điện thì mạch sạc sẽ mở dòng điện sạc tối đa để nạp điện. Khi bình đã đầy điện thì mạch sạc tự động ngắt điện để kéo dài tuổi thọ bình điện. Thời gian sạc trung bình được chỉ định là từ 4-5 tiếng.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)