![]() |
Bất chấp chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhiều đơn vị vẫn sử dụng xe công đi lễ hội Đền Hùng. |
Sau khi báo chí công bố hàng loạt xe công về dự lễ phát ấn ở đền Trần, có công chức cho rằng năm nay Nam Định trở thành “đất dữ” của công chức.
Sự thực là lượng xe công về dự lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định) đã giảm đáng kể so với những năm trước đây. Phần đông xe công của Nam Định đã đến Đền Trần trong đêm khai ấn (22/2). Nay, xe công của tỉnh này đến Phủ Dầy đã giảm hẳn.
Tuy vậy, vẫn còn không ít cán bộ, công chức không chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Thủ tướng, đã rông xe đến dự lễ hội được coi là có đông người tham gia nhất so với các lễ hội khác ở Việt Nam.
Hôm 13/4, nghĩ rằng trời mưa sẽ không có ai đến Phủ Dầy, nhưng lúc 14h50, các vị cán bộ từ xe 18B-2809 (Nam Định) vẫn đội mưa đến các đền, phủ sắp lễ.
Lúc 17h30, xe quân đội biển số KC-5614 cũng cập vào bến đỗ Phủ Dầy. Ngày trước đó, cũng có 3 chiếc xe công loại 7 đến 12 chỗ ngồi của Nam Định cũng đi chơi Phủ Dầy.
Những ngày tiếp theo, số xe công đến đây ngày một nhiều. Tính riêng tại một bãi đỗ xe của Phủ Dầy sáng 14/4 có 4 chiếc. Trong đó có 2 xe biển Thanh Hóa, một quân đội, một Hà Nội. Số xe đến Phủ Dầy tăng từng ngày, với 12 chiếc trong ngày 17/4.
Nếu đánh giá độ đam mê lễ hội dựa trên tiêu chí sử dụng xe công thì Nam Định, Hà Nội... là những ứng cử viên nặng ký.
Đi lễ chùa trên địa bàn chưa thỏa, một số công chức Nam Định còn tổ chức lễ hội liên tỉnh. Hôm chủ nhật 17/4, có ít nhất 3 xe công biển Nam Định đến dự lễ hội Đền Hùng. Trong đó, có xe Toyota 12 chỗ ngồi biển số 18B-0935 nhẫn nại nằm cả ngày ở bến xe đợi các công chức đi chùa.
Cạnh đấy là xe của một VIP, biển số 18B-3637. Xe biển số Hà Nội và xe quân đội (trừ xe của thành viên ban tổ chức) cũng gửi rải rác tại 3 bãi đỗ chính của khu di tích và tại những nhà dân nằm dọc quốc lộ 32C và tỉnh lộ 309. Giá gửi xe không rẻ 30.000-50.000 đồng/chiếc. Xe 6 và 12 chỗ chiếm phần lớn. Thành phần theo xe cũng rất đa dạng, phần lớn là nữ công chức hoặc con, em cán bộ.
Khi hỏi về lượng xe công vào bến mỗi ngày, chị chủ quán nước hào hứng giới thiệu: “Xe công xe kênh gì tôi không biết chứ biển xanh, biển đỏ thì đầy”. Chị chỉ vào mấy chiếc xe biển xanh đỗ cạnh đó chứng minh lời mình nói.
Trên chiếc xe 16 chỗ ngồi gần đó, có 3 người, một phụ nữ, đều vén hết áo xống nằm ngủ ngon lành sau chuyến chen lên đền thắp hương. Cách đó không xa là xe 60 chỗ biển số 31A-1206 của Trường đại học Lâm nghiệp. Tại khu phía Đông di tích, không hiểu vị bác sĩ ham lễ hội nào đó đã sử dụng cả xe cứu thương (biển xanh) của một tỉnh miền núi xa xôi về Đền Hùng.
Theo SGGP, do Thủ tướng nghiêm cấm cán bộ, công chức sử dụng xe công về dự lễ hội Đền Hùng (trừ những người có giấy mời được dự lễ khai mạc tối 14/4) nên có vị cán bộ ở tỉnh nọ đã nhờ ban tổ chức mời mình về học tập kinh nghiệm tổ chức lễ hội. Song, khôi hài hơn cả, theo một cảnh sát giao thông, tối diễn ra khai mạc, có xe còn sử dụng cả giấy mời VIP giả để đưa sếp mình vào dự lễ.
Trong khi đó, một giám đốc doanh nghiệp lại phàn nàn: “Thủ tướng cấm sử dụng xe công đi lễ chùa thành ra lại làm khổ chúng tôi. Vì vợ một cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước của công ty muốn đi lễ chùa nhưng sợ không dám đi xe công nên gọi điện mượn xe của công ty chúng tôi!”. Có phải vì lý do tương tự mà xe 24 chỗ biển số 29K-0235 dù là biển dân sự nhưng ngay trước vô-lăng vẫn có tờ giấy ghi rõ: Xe Quốc hội.