Một lăng mộ ở An Bằng được xây với giá 20.000USD. Riêng cái quan tài nằm phía trong lăng đã đúc hết 5 tấn xi măng Bỉm Sơn. |
Đầu năm học này, nhà chị Nguyễn Thị Ba ở Triệu Phong (Quảng Trị) không đủ sức để may cho ba đứa con áo quần mới và nộp tiền học. Thương mẹ, các cháu vẫn mặc lại áo quần vá đến trường. Thế nhưng, chị Ba phải chạy chọt đi vay đủ 4 triệu đồng gửi về quê chồng xây lăng mộ cho ông bà. Ông bác ở quê lên chơi, nhắn nhủ đầy tham vọng: "Các cháu ạ, mình phải xây lăng cho ông thật to lớn để dòng họ Trương hơn các họ hàng khác trong làng. Biết là nghèo nhưng phải cố gắng nhé".
Phận làm dâu, lời qua tiếng lại chỉ mang tiếng với bà con ở làng là mình bất hiếu với ông bà. Chị Ba kêu khách về bán hết bầy lợn đang nuôi trong chuồng được 1,2 triệu đồng. Vẫn chưa đủ, chỉ còn một con bò (đến tháng 11 này nó sẽ đẻ bê con) nhưng chị Ba cũng phải đem bán nốt để kiếm đủ tiền. Thằng Chính, đứa con thứ hai của chị đang học lớp 10 chuyên ở trường tỉnh về nhà xin mẹ tiền học, chị chưa lo kịp, nó không nói năng gì, trở về trường một buổi đi học, buổi còn lại đi làm thuê kiếm tiền sinh sống.
Hội chứng "phải hơn chúng nó" lan tràn như đại dịch nhưng hễ thắc mắc là lập tức nhận được câu trả lời: "Chú mầy quê quá. Làng quê bây giờ là vậy. Nếu không xây lăng mộ cho người đã khuất thật đẹp, thật to lớn họ chê mình không có hiếu với ông bà", thậm chí còn bị người lớn quát cho một trận: "Mầy đi xa, ở phố xá có biết gì chuyện làng quê. Phải xây lăng mộ cho ông bà thật đẹp, phải hơn chúng nó. Đấy là chuyện manh chiếu giữa làng...".
Dòng họ Phan ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế cũng vì chuyện sĩ diện với các họ khác trong làng nên đã xây cho ông tổ một cái lăng thật to, mất đến 150 triệu đồng (trị giá bằng 3 phòng học cho 150 học sinh). Đã hai lần huy động con cháu nộp tiền rồi nhưng vẫn không đủ. Thế là ông trưởng tộc cứ viết thư gửi đi mọi nơi giục con cháu phải nộp thêm tiền cho đủ. Không thì xây chưa xong mà để vậy cũng sợ người ta cười... "yếu mà ra gió". Xây lăng cho ông tổ xong, ông trưởng họ còn huy động tiền bạc để xây lăng ông nội, bà cô nữa.
Thế nhưng, hậu của công việc xây lăng mộ là phần đáng sợ nhất. Ông Nguyễn Văn Thành, 76 tuổi, ở thị trấn huyện Gio Linh (Quảng Trị), kể rằng: "Mỗi tháng vợ chồng tôi nhận được hơn 30 lời mời đi mừng tân gia, khánh thành lăng mộ... Mỗi đám như vậy nhà tôi chỉ đi 30 nghìn đồng thôi nhưng cuối tháng tính sổ cũng thấy mất hết gần hai tháng lương hưu". Ông Thành giải thích cái sự... siêng đi của mình nghe ra rất có tính cộng đồng: "Tôi không đi mừng với người ta cũng không được, bà con sẽ chê cười mình là người không biết điều. Mai mốt đến lượt... mình thì sao?" Không riêng gì ông Thành có tư tưởng này, phần lớn những người già ở làng quê bây giờ đều cùng chung tư tưởng... làm khổ nhau như vậy.
Xây mộ bây giờ phải mất 200-300 m2 đất, trong khi nhiều cặp vợ chồng trẻ lập gia đình đã lâu nhưng không làm nổi ngôi nhà nho nhỏ vì không có đất. Cái "tròng" mỗi người được cấp 200 m2 đất khi lập gia đình, nay chỉ còn lại 100 m2, thế nhưng đâu phải làng quê nào cũng còn đất để thực hiện ước mơ giản dị đó. Thiếu đất xây mồ mả, thế là họ đi buôn bán đất... chôn người chết. Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã xảy ra tình trạng mua bán đất nghĩa địa. Mà rốt cuộc người sống phải chung sức chịu trả những khoản tiền chết người như vậy.
Theo Người Lao Động, làng An Bằng (ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên -Huế) xây nghĩa địa cho người chết lộng lẫy còn hơn thành phố cho người còn sống. Nghĩa địa rộng mênh mông, lấn ra sát làng. Lăng tẩm ở đây mỗi cái có cái trị giá vài chục nghìn đô la Mỹ, rộng hàng trăm mét vuông. Nhiều người đang sống khoẻ mạnh mà đã xây luôn cả cái lăng cho mình to đùng. Nhưng khi xã hội huy động nộp một khoản tiền để giúp người nghèo khó, nhiễm chất độc da cam, làm đường giao thông, xây trường học... thì họ lại tính tới, tính lui rất do dự.