Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hôm 7/8 rằng ông nhận thấy sự lây lan ngày càng tăng của các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài Cộng hòa Dân chủ Congo. Vì thế người đứng đầu WHO đã quyết định tổ chức họp khẩn, yêu cầu các chuyên gia độc lập tư vấn sớm nhất có thể về việc có nên tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp hay không.
"Trước tình hình đậu mùa khỉ lây lan ra ngoài Congo, có nguy cơ truyền nhiễm trên toàn cầu, tôi quyết định triệu tập một Ủy ban Khẩn cấp để thảo luận liệu đợt bùng phát này có phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu hay không", ông Tedros nói, nhưng chưa ấn định ngày cụ thể diễn ra cuộc họp.
Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi báo cáo rằng bệnh đậu mùa khỉ hiện được phát hiện ở 10 quốc gia năm nay, trong đó có Congo, nơi chiếm hơn 96% tổng số ca mắc bệnh và tử vong.
So với cùng kỳ năm ngoái, cơ quan này cho biết các ca mắc đậu mùa khỉ đã tăng 160 % và số ca tử vong tăng vọt 19 %. Các quan chức tại CDC châu Phi cho biết gần 70% các trường hợp ở Congo là ở trẻ em dưới 15 tuổi, những đối tượng này cũng chiếm 85% số ca tử vong.
Tuần trước, bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo lần đầu tiên ở Burundi và Rwanda trong khi các quốc gia khác, bao gồm Kenya và Cộng hòa Trung Phi, cũng xác định được các trường hợp mắc bệnh.
Tổng giám đốc WHO cho biết cơ quan này đã giải ngân một triệu USD từ quỹ khẩn cấp để hỗ trợ ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ.
Đầu năm nay, các nhà khoa học đã báo cáo về sự xuất hiện của một biến thể mới, nguy hiểm hơn của bệnh đậu mùa khỉ, có tỷ lệ tử vong lên tới 10%, tại một thị trấn khai thác mỏ ở Congo.
Bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh, bao gồm cả khi quan hệ tình dục. Các triệu chứng phổ biến là phát ban trên da hoặc tổn thương niêm mạc có thể kéo dài từ hai đến bốn tuần kèm theo sốt, nhức đầu, đau nhức cơ, đau lưng, mệt mỏi và sưng hạch bạch huyết.
Năm 2022, WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu sau khi nó lây lan sang hơn 70 quốc gia, chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới đồng tính và song tính. Trước đợt bùng phát đó, căn bệnh này chủ yếu xuất hiện lẻ tẻ ở miền Trung và Tây Phi, nơi con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh.
Việt Nam phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên vào tháng 10/2022. Đến đầu năm nay, Bộ Y tế ghi nhận hơn 68 ca đậu mùa khỉ, 6 người tử vong, phần lớn bệnh nhân tiền sử nhiễm HIV. Từ đó đến nay các địa phương vẫn rải rác ghi nhận người mắc bệnh.
Hướng Dương (Theo Express)