- Có thêm thành viên mới, cuộc sống gia đình chị thay đổi như thế nào?
- Hôn nhân với tôi là điều tuyệt vời. Mỗi em bé ra đời càng khiến tình cảm gia đình tôi khăng khít và vợ chồng tôi trân trọng nhau hơn. Chúng tôi may mắn vì đã tìm được một nửa của mình. Các con là kết quả tình yêu giữa hai chúng tôi, là động lực và là chốn bình yên để về.
- Chị sắp xếp thời gian ra sao để cùng lúc quán xuyến việc nhà, chăm con út và dạy dỗ hai bé lớn?
- Tôi chạy như loăng quăng mỗi ngày (cười). Vốn kỹ tính nên tôi sẽ rất lo lắng nếu không chu toàn cho các con. Buổi sáng, hầu như tôi dành hết thời gian cho ba con, từ giúp bé lớn học online, tắm cho bé nhỏ hay ra thực đơn, cách nấu cho các con và cả nhà trong một ngày.
Sau khi điểm lại mọi thứ, cân đối cho phù hợp, tôi giao nhiệm vụ cho người giúp việc. Đa số việc quan trọng đều do tôi trực tiếp xử lý, chỉ giao việc khi đã yên tâm. Tuy nhiên mọi người đều làm việc dưới sự sắp xếp của tôi để thống nhất một quy định chung.
Buổi chiều, tôi làm việc nhưng vẫn để ý các con hoặc theo dõi con qua camera nếu bận họp hành. Tôi thường dành 3-4 buổi tập thể thao mỗi tuần để có sức khỏe, năng lượng tích cực mới có thể chăm sóc chồng con.
Buổi tối là thời gian vợ chồng tôi dành cho nhau nhiều hơn sau khi các con đã đi ngủ lúc 20h30. Thỉnh thoảng, nếu có việc quan trọng cần giải quyết, tôi cũng sẽ tranh thủ làm vào buổi tối. Ngày trước, tôi chỉ làm việc trong thư phòng còn bây giờ có thể làm việc bất cứ nơi nào, chỉ cần Ipad hay điện thoại. Tôi muốn vừa đảm bảo công việc, vừa gần con nhất có thể.
- Bé út ra đời nhận được nhiều sự quan tâm của bố mẹ có thể khiến hai bé lớn đôi lúc tủi thân. Chị làm cách nào để xoa dịu các con?
- Chúng tôi không để các con có cảm giác ai là số một trong gia đình. Tôi giải thích cho con hiểu các bé đều được bố mẹ yêu thương như nhau, chỉ là em nhỏ hơn, cần được chăm sóc đặc biệt. Lúc các con còn nhỏ, gia đình cũng ưu tiên các con như vậy. Tôi luôn nhắc con: Là anh chị em phải yêu thương nhau. May mắn hai bé Voi và Xu rất hiểu chuyện và nhường nhịn em. Từ khi tôi mang thai, các con đã mong chờ em ra đời. Những khi ngắm các con cưng nựng nhau, tôi như có sức mạnh thần kỳ, quên hết mệt mỏi.
- Ông xã đồng hành với chị thế nào trên hành trình mới này?
- Vợ chồng tôi có điểm chung là rất yêu trẻ con và thích đông con. Chồng tôi bận rộn vẫn tranh thủ phụ tôi chăm con và sẵn sàng chia sẻ khi tôi cần. Ông xã tôi chiều vợ. Anh không phải tuýp người hay thể hiện nhưng tôi yên tâm khi có người đàn ông như vậy đi bên đời mình.
- Chị sinh hai bé lớn tại Mỹ và đón bé út ở Việt Nam. Trải nghiệm sinh nở ở hai nơi khác nhau như thế nào?
- Khác nhau nhiều lắm, nhưng tôi thấy ở Việt Nam bây giờ dịch vụ sinh nở cũng rất tốt. Tôi gặp được bác sĩ giỏi giúp thăm khám suốt thai kỳ đến lúc vượt cạn, nên hoàn toàn yên tâm.
Về quan niệm kiêng cữ, tôi thấy người Mỹ đơn giản hơn, có thể do cơ địa họ khỏe mạnh, môi trường, thức ăn và y tế đều tốt. Vừa sinh xong, tôi được khuyên ăn uống bình thường, đủ chất, không hạn chế đồ lạnh hay hải sản. Tôi cũng có thể tắm gội luôn sau đó.
Sau sinh, các cô y tá sẽ chăm sóc bé và làm thủ tục cần thiết để sản phụ có thể ngủ một giấc dài hồi sức. Mê man sau cơn đau và dư âm của thuốc tê, lúc tỉnh dậy, tôi đã thấy con nằm cạnh mình rồi.
Các y bác sĩ liên tục hỏi thăm, chúc mừng và hướng dẫn người mẹ cho con bú. Họ còn tặng bằng khen khuyến khích nếu bạn cho bé bú sữa mẹ. Trước khi về, họ kiểm tra kỹ năng chăm con của người mẹ và nhắc nhở gia đình chuẩn bị ghế riêng cho bé trên ôtô. Nếu chưa hoàn thành các tiêu chí trên, bố mẹ sẽ không được đưa em bé về.
Về nhà, các sản phụ vẫn thường xuyên nhận được điện thoại từ bệnh viện khảo sát dấu hiệu trầm cảm hay những khó khăn khi nuôi con nhỏ. Hai lần sinh bên Mỹ, tôi thấy cơ thể hồi phục nhanh, sau 3-4 ngày đã có thể tự lái xe đi mua đồ, làm mọi việc. Ở Mỹ, đa phần là vậy. Tuy nhiên, biết sức mình nên tôi vẫn kiêng kỹ hơn một chút theo quan niệm của người Việt, như hạn chế ăn đồ lạnh, sau lần tắm gội đầu tiên thì 5-6 ngày sau đó tôi chỉ lau người chứ không tắm mỗi ngày.
- Hiện tại chị áp dụng thực đơn như thế nào để đảm bảo nguồn sữa cho con nhưng vẫn giúp mẹ kiểm soát cân nặng?
- Tôi ăn đủ chất từ tháng đầu tiên và duy trì uống vitamin. Từ tháng thứ hai trở đi, tôi mới giảm dần tinh bột, hạn chế đồ chiên, xào và không dùng nhiều đường. Tiếp đó, tôi tập yoga nhẹ nhàng khi cơ thể đã có dấu hiệu hồi phục.
- Mỗi lần sinh con, cơ thể phụ nữ trải qua những thay đổi ảnh hưởng nhan sắc, sức khỏe. Chị đối diện điều này như thế nào?
- Chính vì lo sợ điều này nên tôi luôn chuẩn bị kỹ càng, rèn luyện sức khỏe cũng như chế độ ăn uống trước khi có con khoảng một năm. Tôi thường khám tổng quát trước khi lên kế hoạch mang thai.
- Bé út sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt - khi TP HCM căng thẳng chống Covid-19. Chị mong ước điều gì cho con?
- Tất cả các em bé, không riêng gì Mio nhà tôi, đều chỉ cần khỏe mạnh, vui vẻ, khôn lớn tự nhiên và sống đúng tuổi thơ của các con, sau này trở thành người bản lĩnh, có ích cho xã hội. Chúng tôi thuận theo năng khiếu, cá tính của từng bé để giúp con phát triển. Còn quy tắc chung thì may mắn bé nào nhà tôi cũng tự giác, biết yêu thương nhau, san sẻ với người khó khăn và hiếu học. Chúng tôi vui vì những gì mình rèn rũa các con đều nghe theo và giờ đã đi vào nề nếp. Cứ đứa lớn làm gương bảo ban đứa bé nên bố mẹ nhàn lắm.
- Chị mong con thừa hưởng điều gì từ bố mẹ?
- Trời sinh ra mỗi cá thể có một nét riêng, đều đặc biệt. Tôi muốn các con sau này phát huy điểm mạnh của bản thân là chính. Tuy nhiên, trẻ con như tờ giấy trắng nên chúng tôi cố gắng trở thành tấm gương cho con bằng cách sống có ích cho gia đình, xã hội; ngày hôm nay sẽ sống tốt hơn ngày hôm qua. Con cũng rất tự hào về ba mẹ qua những lần trò chuyện cùng cô giáo và các bạn.
Nguyên Thảo