Nhận vô số lời chúc mừng, thưởng thức thực đơn thịnh soạn và yên giấc cả khi con quấy khóc là những điều Vy Oanh trải qua trong những ngày sinh con tại bệnh viện ở Mỹ. Nữ ca sĩ chia sẻ sự dịu dàng của y tá, thái độ quan tâm từ bác sĩ và nền khoa học hiện đại tại đất nước phát triển giúp nỗi đau đớn khi vượt cạn của cô trở nên nhẹ nhàng hơn. Nói về hai lần đón con trai Benjamin và con gái Briana tại xứ cờ hoa, Vy Oanh chỉ một cảm xúc, đó là ngập tràn hạnh phúc. Tuy nhiên, cô cũng gặp chút ít khó khăn vì nhớ nhà và không thể ở bên mẹ khi bà bệnh.
Buồn vì nhớ mẹ khi sinh con xa xứ
- Điều gì khiến chị lựa chọn sinh hai con tại Mỹ?
- Tôi quyết định đi Mỹ sinh con bởi muốn dành cho bé những điều tốt nhất. Ở đó, y tế, giáo dục hay môi trường và thực phẩm đều an toàn. Lần mang thai đầu tiên, tôi ở Việt Nam tới tháng thứ tư của thai kỳ thì được ông xã và người thân tháp tùng sang Mỹ. Chúng tôi thuê một cô giúp việc người địa phương để hỗ trợ việc lặt vặt.
- Chị đặt ra những tiêu chí nào khi lựa chọn bệnh viện tại đó?
-️ Theo tôi, các bệnh viện ở Mỹ đều đạt tiêu chuẩn để sản phụ yên tâm sinh nở. Vì thế tôi chỉ quan tâm nơi nào gần nhà, tiện lợi đi lại và nhắm cho mình một bác sĩ phù hợp.
Khi sinh con trai đầu lòng, bé Benjamin Lê, tôi chưa quen môi trường ở đây nên chọn một bác sĩ người Việt có cổ phần trong bệnh viện ngay nơi tôi sống. Tôi có thể đi bộ tới thăm khám hoặc đi chợ ngay sau khi kiểm tra định kỳ, rất tiện lợi và tốt cho sức khỏe.
Lúc đón bé thứ hai, Briana Lê, tôi mua bảo hiểm ở hãng bảo hiểm lớn nhất nhì nước Mỹ. Khi đăng ký thủ tục, mọi thông tin của tôi đã được lưu sẵn vào hệ thống máy tính của bệnh viện nên đến ngày chỉ cần "vác bụng" tới sinh.
- Chị gặp những khó khăn gì khi vượt cạn tại đất nước xa lạ, khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ?
- Tôi nghĩ mình là người mạnh mẽ, dễ thích nghi với môi trường mới vì thường xuyên đi nước ngoài nên mọi khó khăn đều có thể xoay xở được; chỉ duy nhất một điều là phải xa gia đình, xa mẹ. Trước đây, tôi sống với mẹ nên lúc qua Mỹ rất nhớ bà. Mỗi lần hay tin mẹ bệnh nặng mà không thể về thăm, tôi thấy rất tủi thân.
Lần đầu qua Mỹ sinh con, tôi mất khá nhiều thời gian cho việc tìm hiểu môi trường sống, đặc biệt bà bầu sắp vượt cạn càng có nhiều thứ phải tìm hiểu. Cũng may những người đồng hương tại đây nhiệt tình giúp đỡ tôi và ông xã luôn sát bên động viên, chia sẻ nên những khó khăn phần nào vơi bớt.
Đi đẻ chỉ mang theo một bộ quần áo
- Chị nhận được sự chăm sóc thế nào khi sinh con tại bệnh viện ở Mỹ?
- Tôi vào bệnh viện khi có dấu hiệu sinh, hành trang mang theo chỉ một bộ đồ mặc sau sinh, còn mọi thứ đã được các nhân viên y tế chuẩn bị sẵn. Tại đây, ba của bé có thể tự tay cắt dây rốn cho con hay vào phòng sinh cùng vợ nếu muốn. Tôi sinh thường, hồi hộp và sợ đau nên chọn tiêm thêm thuốc giảm đau và gây tê tủy sống. Sau đó, các bác sĩ, y tá thay nhau chăm sóc, theo dõi tim mạch, huyết áp và hướng dẫn tôi rặn đẻ.
Lúc sinh bé đầu, tôi rặn rất lâu, khó khăn và có phần nguy hiểm vì con bị nhau thai quấn cổ hai vòng. Tuy nhiên đến bé sau thì nhanh hơn, chỉ trong 15 phút. Ngay khi con chào đời, bác sĩ mang con đặt vào lòng mẹ để bé được tiếp da. Họ vui vẻ chúc mừng rồi cắt dây rốn cho bé.
Y tá xin phép đưa bé đi làm vệ sinh và đo chiều dài, cận nặng sau vài phút hai mẹ con âu yếm nhau. Họ khâu vết rạch cho tôi khá cẩn thận, sau đó đẩy về phòng riêng để tôi được ngủ thiếp đi trong vài tiếng. Phòng dành cho sản phụ rất tiện nghi, có bàn ghế tiếp khách, tivi, nhà vệ sinh và nhà tắm riêng biệt.
Tôi tỉnh dậy thì đã thấy "thiên thần nhỏ" nằm bên cạnh. Trên áo bé là dòng chữ mang ý nghĩa chào đón con đến với thế giới. Một nữ y tá hướng dẫn tôi cho con bú để kích thích sữa mẹ về nhanh. Sau đó, họ thay phiên chăm sóc, kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng cho bé. Nếu tôi cần giúp gì, chỉ bấm chuông là họ có mặt. Việc duy nhất tôi phải làm sau khi sinh là nghỉ ngơi, thư giãn để nhanh chóng hồi phục. Lúc bớt ra dịch sản, tôi được phát một đai quấn bụng để giữ vòng eo không lỏng lẻo và giúp mau lại dáng. Tôi thấy việc này rất hiệu quả để về phom và giảm đau lưng.
Trong những ngày ở viện, mỗi hôm tôi được phục vụ ba bữa chính khá thịnh soạn như tôm hùm bỏ lò nướng phô mai hay những món đặc sản khác. Tráng miệng gồm nước trái cây, sữa, bánh ngọt hoặc sữa chua. Họ khuyến khích tôi ăn đủ chất để có sữa cho con bú.
- Sau khi xuất viện, chị chăm con thế nào?
- Cha mẹ được yêu cầu lựa chọn một bác sĩ nhi chịu trách nhiệm khám cho con giai đoạn sau này từ trước khi đưa bé xuất viện; tiếp đó phải ký giấy đảm bảo đã biết cách chăm con và sắm sẵn một chiếc car seat (ghế an toàn cho bé).
Những ngày ở viện, tôi nhận được vô số lời hỏi thăm và chúc mừng từ các nhân viên y tế. Khi về nhà, họ vẫn điện thoại thường xuyên để biết tôi có bị trầm cảm không, có gặp khó khăn gì khi chăm bé và cần hỗ trợ những gì. Sau khoảng một tháng, tôi được bệnh viện gọi tới để kiểm tra vết khâu, cân nặng và dặn dò cách giữ sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Bé được hẹn lịch khám lần đầu lúc một tuần tuổi. Các chuyên gia cân bé và đo lượng sữa mẹ mà bé ăn được mỗi lần, hướng dẫn mẹ hút sữa, massage, thiết kế thực đơn ăn uống cho mẹ. Bé có lịch khám định kỳ và tiêm chủng ở tháng thứ 2, 4, 6, 9 và 12. Các bác sĩ nhắc nhở mẹ không coi cân nặng của bé là áp lực đồng thời cung cấp tài liệu về các giai đoạn phát triển tương ứng của bé.
Tôi chăm con đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Bé Benjamin háu ăn, cân nặng và chiều cao nhỉnh hơn Briana vì là con trai. Tuy vất vả nhưng tôi thực sự hạnh phúc khi có các con trong đời.
- Chị có được bác sĩ lưu ý về chế độ kiêng cữ nào không?
- Có lẽ vì ở Mỹ khí hậu thuận lợi, môi trường sạch sẽ, nguồn thực phẩm an toàn và sẵn có thể lực tốt nên sản phụ tại đây không kiêng khem. Riêng tôi áp dụng cả hai cách của họ và của "ta". Tôi tắm gội nhanh bằng nước ấm trong phòng kín gió ngay khi tỉnh dậy để cơ thể sạch sẽ lúc chăm con. Trong một tháng đầu sau sinh, tần suất tắm và gội đầu cũng thưa hơn bình thường. Về dinh dưỡng, tôi ăn đủ chất nhưng hạn chế tinh bột và dầu mỡ, ưu tiên đồ luộc hơn chiên xào, không uống đá lạnh.
Lam Trà thực hiện