Mối quan hệ đồng nghiệp gắn bó sẽ đem lại hiệu quả trong công việc. |
Mở cửa thấy núi
Dung còn nhớ như in ngày cô lò dò bước vào công ty để xin việc. Ngay khi cô vừa cất tiếng chào bằng giọng Anh chuẩn thì người phỏng vấn cô đáp lời bằng tiếng Việt giọng Hà Nội chuẩn. "Cảm giác đầu tiên của bạn lúc đó?", tôi hỏi và cô trả lời: "Choáng!" kèm theo là một nụ cười méo xẹo. Dung kể thêm: "Tôi hết hồn và ngay lập tức đã hiểu mình cần cố gắng nhiều để được nhận vào nơi này. Do phải làm việc với đối tác nhiều quốc gia khác nhau nên yêu cầu biết nhiều ngoại ngữ được đặt lên hàng đầu. Công ty tôi ai cũng biết tối thiểu 2 ngoại ngữ. Riêng sếp biết đến 3 ngoại ngữ và đang học ngoại ngữ thứ 4". Chính cảm giác "choáng" ban đầu đã thôi thúc Dung nỗ lực nhiều hơn và hiện tại, sau 2 năm, cô đã lên chức phó phòng marketing.
"Khi tôi mới vào công ty, thấy một chị trông rất giản dị, thậm chí hơi nhà quê nữa, đang cặm cụi lau bàn phím máy tính, tôi nghĩ có lẽ chị này là nhân viên tạp vụ hay gì đó. Nhưng sau đó, tôi "té ngửa" khi biết chị là một nhân tài của công ty, người chuyên có những sáng kiến được ứng dụng trị giá hàng chục nghìn USD". Bài học "mở cửa thấy núi" được bạn Hoài tâm tình như vậy. Bạn triết lý thêm: "Con gái chúng mình thường ít nhiều quan tâm đến hình thức bên ngoài nên có lúc xem thường người khác. Đôi khi sẵn tính đố kỵ nên lại càng khó nhìn nhận tài năng của người khác. Chính môi trường làm việc có nhiều người tài giỏi mà giản dị đã giúp mình tự soi lại mình và cố gắng nhiều hơn".
Ngay trong niềm vui nơi công sở Tây cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm. Hiền, nhân viên một công ty quảng cáo, kể: "Ngày sinh nhật một nhân viên trong phòng, sếp tự mình đặt bánh sinh nhật và mua quà. Rồi cả phòng được vui chơi thoải mái. Tết dương lịch, cả phòng kéo nhau đi du lịch, sếp khuân vác đồ cho chị em như... ông xe ôm mà miệng vẫn tươi cười. Mình cảm động và học được nhiều điều từ sếp lắm".
Còn Ngọc, nhân viên kế toán của một công ty kinh doanh thực phẩm, thì vẫn còn xúc động khi kể về vị sếp Tây của mình: "Mẹ mình ở quê bệnh nặng, công việc cuối năm của công ty thì quá bận rộn, mình không dám xin nghỉ phép. Không hiểu vì sao sếp biết, kêu mình ra nói riêng: "Tôi biết người Việt rất trọng quan hệ với cha mẹ, tôi cho cô nghỉ phép 3 ngày về thăm mẹ, tôi đã bảo phòng tiền lương chuẩn bị cho cô thêm khoản tiền hỗ trợ. Cô đi ngay đi, công việc của cô tôi đã phân công người theo dõi".
Nỗ lực vì tự hào dân tộc
Hằng kể chuyện bị "dội nước lạnh" khi cô vừa vào làm việc ở một công ty bảo hiểm quốc tế: "Sếp tôi nói trước tôi có nhiều nữ nhân viên làm việc ở đây nhưng không trụ nổi vì mải mê ganh tỵ với nhau". Từ gáo nước lạnh đó, Hằng quyết tâm sống đẹp với đồng nghiệp, chị em dặn dò bảo ban nhau làm việc hết mình vì tự hào dân tộc, nhất quyết không để người ta nghĩ không hay về "người mình".
Còn Lan, trưởng phòng kinh doanh của một công ty kinh doanh mỹ phẩm, chia sẻ: "Trước đây trong công việc, mình luôn chia sẻ và thông cảm với một cô nhân viên giỏi giang. Không ngờ cô ấy trộm mật khẩu máy tính của mình, dùng trojan ăn cắp mật khẩu hộp thư điện tử, bao nhiêu e-mail mới của khách hàng bị xóa sạch, làm mình bị khách hàng than phiền, bị sếp mắng. Suýt chút nữa thì bị sa thải". Khi hiểu ra, Lan đã tìm cách "nói chuyện phải trái" nhẹ nhàng với cô này: "Mình chỉ nói rằng nếu em giỏi thì hãy làm cho người nước ngoài thán phục trước tài trí của chị em người Việt chúng mình chứ đừng để người ta nghĩ xấu. Sau đó, hình như cô ấy đã hiểu ra và giữa tụi mình có một quan hệ mới, đầy thiện chí...".
Chuyện những bạn gái đi làm công sở Tây còn nhiều vui buồn khác. Áp lực lên những người phụ nữ hiện đại - gia đình một bên, công việc một bên - càng nặng nề hơn bao giờ hết. Xin mượn lời Thụy My, trưởng phòng nhân sự một công ty kinh doanh hàng điện tử: "Sống trong công sở Tây để học hỏi sự khác biệt, làm giàu tri thức và tự rèn văn hóa. Làm việc với họ để học hỏi và phát triển năng lực, đồng thời, cũng phải luôn giữ gìn cả tư cách con người lẫn công việc để tự hào mình là phụ nữ Việt Nam".
(Theo Thanh Niên)