![]() |
Nói đến xiếc đế thúng, đế kiếm... trong làng diễn xiếc tạp kỹ ở TP HCM không thể không nhắc tới Lý Bằng với danh xưng trên sân khấu là Kung-fu Lý Bằng. Là một người Việt gốc Hoa lại được thừa hưởng từ cha những ngón võ Thiếu Lâm khi còn bé, anh có được một cái nền chắc chắn khi đến với bộ môn xiếc. Anh đã bỏ công rèn luyện mình và quyết tâm trở thành một diễn viên xiếc chuyên nghiệp. Sau 7 năm tập luyện (khi ấy anh đã 26 tuổi), đến khi ra lò thì những tiết mục đòi hỏi sự khéo léo của xiếc, sự khỏe mạnh của võ thuật đã tạo nên một Kung-fu Lý Bằng có tiết mục đế thúng, đế kiếm, đế ly "ăn khách" trên các sân khấu tạp kỹ hiện nay. Đâm cả một cái kiếm, cái dao, kể cả một cái kéo to đùng mà không thủng bao tử ư? Còn những màn xỏ rắn qua lỗ mũi, làm sao thở ?. Có rất nhiều câu hỏi tương tự mà khán giả không kìm lòng được đã thốt ra trong nỗi lo lắng giùm cho người biểu diễn. Và người trả lời được những câu hỏi ấy không ai khác là nghệ sĩ Minh Tân. Anh là một diễn viên đồng thời cũng là người thầy, là trưởng nhóm xiếc Minh Tân gồm 5 thành viên. Anh cho Thanh Niên biết: "Bọn tôi tập luyện rồi diễn nhiều cũng quen rồi. Mình tự đâm mình nên làm chủ được tình huống, thấy không ổn thì rút ra đâm lại thôi". Cái sự "chỉ thế thôi" mà anh vô tư kể ra ấy cũng đã theo anh gần 10 năm rồi. Khác với những tiết mục vận dụng kỹ thuật đến mức làm khán giả vừa thích thú, vừa sợ là những tiết mục nhẹ nhàng hơn của các diễn viên xiếc như Phúc Hậu, Ngọc Bích, Ngọc Thủy. Phúc Hậu diễn xiếc với chiếc xe đạp một bánh cao nghều và ngồi trên yên xe anh làm "trò" với những chém sắt, đuốc lửa, quả táo... Còn Ngọc Bích là chủ nhân của tiết mục lắc vòng. Khán giả xem tiết mục của cô đã không khỏi ngạc nhiên khi một cô gái bé nhỏ như thế lại có thể mang trên mình 60 chiếc vòng bằng sắt và trình diễn kỹ thuật lắc vòng thật điệu nghệ. Người đem đến cho khán giả cảm giác "người không xương" là Ngọc Thủy. Xem cô vừa uốn dẻo vừa tạo hình trên một chiếc bàn nhỏ chợt cảm nhận khả năng của con người thật vô hạn. Một điều thú vị: cả ba diễn viên này cùng với nghệ sĩ ảo thuật Ngọc Tâm (biểu diễn màn biến hóa với bồ câu, lá bài, những trái bóng bàn) đều là thành viên của một gia đình xiếc. Ngoài ra, có rất nhiều nhóm xiếc đang hoạt động đơn lẻ ở TP HCM: xiếc Duy Hà, Phi Hùng - Hoàng Dũng, Bụi Hồng, xiếc Thu, ảo thuật Ngọc Tâm, Hoàng Tuấn, Trần Long... Đặc thù của xiếc là sức lực và đạo cụ. Vì thế mỗi đêm trung bình họ chỉ nhận từ 2-3 show diễn, mỗi show mất khoảng 10-15 phút trình diễn. Nhưng việc mất thời gian nhất của họ lại là việc thu xếp trong hậu trường với lỉnh kỉnh những đồ nghề lớn nhỏ, rồi tự chất lên xe và đi đến nơi diễn tiếp theo. Diễn viên xiếc Ngọc Bích cho biết: "Thường chúng tôi chỉ dám nhận 3 show/ngày là nhiều nhất vì thời gian di chuyển và vì sức khỏe". Xiếc là một nghề rất cần đến sức khỏe. Dù có những diễn viên nhìn bề ngoài nhỏ nhắn nhưng khi nhìn họ diễn mới thấy sức lực trong họ rất lớn. Như Lý Bằng, bề ngoài anh cũng không to lớn nhưng khi anh dùng hai mũi kiếm châu vào nhau để đế một chậu hoa lớn thì mới thấy được nội lực ghê gớm cỡ nào. Hầu hết những diễn viên này chỉ có thể tồn tại trên sân khấu khi còn sức lực; thường diễn viên ở lứa tuổi trên dưới 35 là đã phải rời nghề. Những nhóm xiếc, diễn viên xiếc tổ chức nhận show diễn đơn lẻ cũng xuất thân từ nhiều nguồn, từ những rạp xiếc nhà nước, các lò tư nhân và từ những cá nhân tự học rồi hành nghề. Hiện tại thành phần xiếc tư nhân hoạt động chạy show đông hơn những người đang trong biên chế của Đoàn xiếc TP HCM và xiếc Long An (hai đoàn xiếc chủ lực của khu vực phía Nam). Không phải cơ chế của đoàn xiếc không cho phép mà có lẽ do xiếc chính quy thường hoạt động mang tính tập thể và nhiều đạo cụ phức tạp nên khó có thể bứt ra riêng lẻ để chạy show như những gánh xiếc tư nhân vốn hoạt động gọn nhẹ hơn. Chính vì tính chất cơ động, các nhóm tư nhân hoạt động rộng và năng suất hơn. Các tụ điểm tại các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long... hay Đầm Sen, Suối Tiên, Thảo Cầm Viên ở TP HCM là những nơi quy tụ nhiều tiết mục xiếc định kỳ nhất.
Trong giới diễn viên xiếc thì điều đó trở thành một nguồn thu nhập chính đáng của họ. Tuy thế, những diễn viên xiếc này vẫn phải chịu khó căn cơ thì mới dám nghĩ tới cuộc sống kha khá một chút. Thường không có người nhà hỗ trợ thêm thì hầu hết họ cũng phải thủ cho mình một nghề tay trái. Và một điều đặc biệt là những trang phục, đạo cụ cái gì tự làm được họ cũng cố gắng bỏ công sức, thời gian ra làm chứ rất hạn chế ra tiệm. Chẳng hạn, những bộ trang phục kiểu Hoàng Phi Hồng của Lý Bằng cũng do một tay bà xã may. Còn hai chị em Ngọc Bích, Ngọc Tâm thì có nghề tay trái là thợ may. Tập luyện vất vả, theo nghề khó khăn nhưng hầu hết những người đã và đang theo nghề vẫn giữ được sự nhiệt tâm và yêu nghề đến kỳ lạ. Hơn 40 tuổi, vẫn biết mình chỉ nên diễn những tiết mục vòng ngoài nhẹ nhàng nhưng Minh Tân vẫn đang chuẩn bị công sức để tập một tiết mục mới xem ra cũng nguy hiểm. Năm nay 35 tuổi, sau 2 năm góp mặt trên các sân khấu được đông đảo khán giả yêu mến, nay Lý Bằng đang dồn hết tâm và lực để cho ra mắt một liveshow Lý Bằng Kung-fu trong 45 phút với các tiết mục gay cấn và mạnh mẽ (trước mắt anh sẽ diễn liveshow này ở các bar sau đó sẽ làm ở sân khấu lớn vào đầu năm 2005). Còn Ngọc Thủy đang cùng Đoàn xiếc Việt Nam sang giao lưu văn hóa ở Pháp, Ngọc Tâm mong muốn có thể tham gia vào liên hoan xiếc toàn quốc vào năm sau... Bên cạnh việc mải lo chạy show kiếm sống vẫn tồn tại trong tâm tư những người nghệ sĩ ấy mong muốn được công nhận và được tạo điều kiện để sống chết với nghề. |