Cái tên Quan Ngọc Thục Khánh thường được nhắc đến như là tay đua "lì lợm" nhất trong làng xe đạp nữ. Cô cũng là cua-rơ xui xẻo số một. Bất cứ giải xe đạp lớn nhỏ nào, cô gái của TP HCM này đều bị té ngã. Nhẹ thì trầy xước, gãy tay, nặng thì gãy xương đòn, chấn thương đầu...
Sự xui xẻo bắt đầu đeo bám cô từ kỳ giải năm 1997. Lần đó mới ra đua, do quá hăng lại thiếu kinh nghiệm, xe Khánh bị móc vào xe các đối thủ khác, khiến cô lăn quay trên đường, kết quả thật bi thảm bởi xương đòn trái bị gãy. Sau tai nạn đầu đời đó, gia đình khuyên Khánh nên từ giã xe đạp để tránh rủi ro, nhưng với niềm đam mê của mình, Khánh đã thuyết phục bố mẹ để được tiếp tục được rong ruổi trên đường thiên lý. Năm 2002, Thục Khánh lại bị gãy xương đòn phải. Nhập viện để mổ lần 2, cô đã nghĩ đến chuyện giải nghệ, nhưng rồi cũng vì niềm đam mê, Khánh lại tiếp tục lên yên và đua. Ở chặng cuối cuộc đua "Về Điện Biên Phủ 2004", trong khi lao về đích cô lại bị té ngã, đập đầu xuống đường nằm mê man bất tỉnh. Nhiều người đã linh cảm đến trường hợp xấu nhất. Nhưng may mắn cho Khánh bởi cô chỉ bị... chấn thương não.
Sau tai nạn đó, những tưởng Khánh đã giã từ đời cua-rơ lắm gian truân. Nhưng cô đã làm nhiều người bất ngờ về sự quả cảm của mình khi vẫn tiếp tục làm bạn cùng "chú ngựa sắt". Tuy vậy vận đen vẫn tiếp tục bám đuổi Khánh như hình với bóng. Ở Cúp truyền hình An Giang 2004 vừa diễn ra vào cuối tháng 11, trên đường rút về đích, các cây dù quảng cáo đặt hai bên lề bị gió cuốn phăng ra đường, đập vào người Khánh, thế là cái xương đòn trái lại bị gãy, đành phải bỏ cuộc khi giải mới đua được chặng thứ 2.
"Sau lần này, liệu Khánh còn tiếp tục đua nữa không?", PV Thanh Niên hỏi. Một chút ngần ngại, Khánh buồn rầu: "Mê đua lắm anh ạ, nhưng số em xui xẻo quá. Chấn thương lần này khá nặng, bác sĩ bảo không nên mổ vì tỷ lệ rủi ro rất cao, đành để vậy cho xương tạo khớp mới. Để chấn thương bình phục nghe đâu cũng mất hơn 5 tháng, chắc niềm đam mê của em phải chấm dứt từ đây".
Ngoài trường hợp cá biệt của Thục Khánh, việc các VĐV xe đạp nữ mình đầy thương tích là chuyện trăm người như một. Bởi trong sự nghiệp của mình, ai hên lắm thì cũng "đo đường" không dưới 10 lần. Chỉ cần liếc sơ qua bất cứ cua-rơ nào, bạn cũng có thể thấy ngay những vệt sẹo ngắn, dài, to, nhỏ, tròn, méo... hiện diện khắp cơ thể. Vì thế, cũng chỉ với một cái nhìn, bạn cũng có thể nhận biết tân binh, hay cựu binh. Nhưng đối với giới xe đạp, sẹo chỉ là chuyện nhỏ. Hương Thảo (TP HCM) được xem là người lì đòn chẳng thua gì Thục Khánh, vừa mới ra đua lần đầu, Thảo đã bị té lăn quay, gãy mấy cái răng ở hàm trên, vậy mà cô vẫn can đảm tiếp tục dấn bước theo nghiệp mà mình đã chọn. Không ít lâu sau, cô đã xuất sắc đoạt HCB giải trẻ toàn quốc, kèm theo biệt danh Thảo "Sún".
Là nữ giới, nhưng các cua-rơ nữ cũng khổ luyện chẳng thua gì các VĐV nam. Vào những đợt cao điểm, hầu như ngày nào họ cũng phải dãi nắng dầm mưa “nuốt trôi” trên dưới 100 km của giáo án tập luyện. Chẳng mấy chốc, hầu hết đều bị nhuộm đen như Trương Phi. Khổ nỗi, do thu nhập quá thấp nên chẳng mấy ai có đủ tiền mua kem dưỡng da. Tằn tiện đến mấy, cũng chỉ có thể sử dụng loại kem của VN với giá từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/hộp. Người nào sang thì cũng chỉ dùng để bôi quanh mặt, chứ chẳng ai dám hao phí kem thoa lên các chỗ khác.
Sự trắc trở của VĐV nữ không chỉ có vậy. Khổ nhất là ở những cuộc đua kéo dài, nhiều cô than ngắn thở dài vì không may trúng ngay chu kỳ của phụ nữ. Một số vì thành tích, chấp nhận uống thuốc để kéo dài ngày qua khỏi cuộc đua. Số còn lại vì sợ ảnh hưởng sau này nên thà hy sinh thành tích chứ không chịu làm trái chu kỳ sinh học. Đối với các HLV nước ngoài, họ theo dõi rất kỹ chu kỳ của các VĐV và lịch thi đấu để có các phương pháp huấn luyện nhằm tránh sự trùng hợp, giúp VĐV có được thể lực tốt nhất.
Gian khổ là vậy, nên rất hiếm người giữ được nhan sắc của mình. Chính vì thế, sự xuất hiện của một hai gương mặt khả ái trên các cuộc đua luôn thu hút sự quan tâm của mọi giới.
Nguyễn Thị Thanh Huyền (Hà Nội), cô gái đang thống trị xe đạp nữ địa hình Đông Nam Á, là một trong số đó. Với gương mặt thanh tú và nụ cười rất tươi, Huyền luôn tạo được ấn tượng ở những cuộc đua quốc tế. Dù đã lập gia đình, nhưng Thanh Huyền vẫn là niềm hy vọng vàng của SEA Games 2005. Gương mặt mới Nguyễn Thanh Thảo (Bình Dương - 1985) cũng là một cua-rơ xinh đẹp. Với vẻ đẹp mạnh mẽ và ấn tượng, Thanh Thảo được xem là hoa khôi của xe đạp nữ VN hiện nay. Quan trọng hơn, Thảo là một cua-rơ trẻ có triển vọng gặt hái được nhiều thành tích trong thời gian tới.
Điều mà giới chuyên môn lo ngại, là hiện rất khó để phát hiện và đào tạo các VĐV trẻ vì có rất ít cô gái dám chấp nhận hy sinh nhan sắc của mình để chơi môn thể thao này. Bởi thế, thời gian gần đây luôn xảy ra những hiện tượng chèo kéo tranh chấp VĐV giữa các đoàn với nhau.
Hiện TP HCM và Bình Dương vẫn đang căng nhau trong việc tranh chấp VĐV Võ Thị Phương Phi. Việc tuyển thủ quốc gia này khoác áo thi đấu cho địa phương nào cũng đang còn tranh cãi, vì TP HCM quyết không cho Phi đầu quân cho địa phương khác.
Chuyện của Phan Thị Thùy Trang (An Giang) thì càng hy hữu hơn. Sau khi nhận được quyết định trả về địa phương của Ủy ban TDTT vì phát hiện có triệu chứng bệnh tim vào ngày 17/10/2004, những tưởng Trang đã giã từ xe đạp. Nhưng tại Cúp xe đạp truyền hình An Giang 2004, Trang lại xuất hiện và thi đấu cực tốt, đoạt luôn áo vàng và áo xanh của giải. Sở dĩ Trang được thi đấu là do An Giang xuất trình giấy chứng nhận đủ sức khỏe của Bệnh viện 175. Điều đặt ra ở đây là phải chăng do thiếu VĐV nên An Giang mạo hiểm đưa Thùy Trang vào thi đấu, nếu vậy thì đây là điều đáng lo ngại vì nếu có triệu chứng bệnh tim Trang sẽ rất dễ gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Còn nếu như cô không có bệnh và vẫn đủ sức khỏe thì đây là VĐV không thể thay thế ở nội dung địa hình của đội tuyển quốc gia, vì sau Trang vẫn chưa có VĐV nào có thể kế tục.