Nếu có dịp đi công tác nước ngoài, thỉnh thoảng bạn có dịp nhìn thấy những chai rượu mẫu bày bán ở cửa hàng miễn thuế của sân bay. Mua về để uống thì tất nhiên là không rồi, vì nó chủ yếu mang giá trị trang trí cho tủ buffet hoặc bàn làm việc. Đối với quý ông, đó còn là vật chứng cho thành tích “hảo rượu” của mình. Nhưng nhiều quý cô cũng thích nhìn ngắm những chai rượu nho nhỏ xinh xinh để tăng cường kiến thức về rượu và cũng để tự hỏi làm thế nào mà cái chất nước cay xè bên trong lại quyến rũ các ông đến như vậy!
Dưới mắt Huỳnh Minh Hiệp, rượu mẫu còn là một thú vui sưu tập bởi vẻ đẹp của kiểu dáng chai, màu sắc, chủng loại đa dạng… Trên tất cả, nó còn thể hiện những nét văn hoá riêng của từng quốc gia xuất xứ.
Săn lùng từ Á sang Âu với bộ sưu tập trên 2.000 chai đủ loại và đủ nhãn hiệu, có thể tạm gọi Hiệp là “vua” rượu mẫu. Hơn 30 tuổi, trong đó có đến 12 năm đam mê thú chơi, nhưng vua rượu lại không uống rượu. Thật ra, Hiệp đến với rượu nhờ theo bạn đi học nghề bartender (nhân viên pha chế rượu). Về làm việc ở quầy rượu của sân bay Tân Sơn Nhất, ngày ngày tiếp xúc với các chai rượu mẫu, tự nhiên Hiệp đâm mê lúc nào không hay. Từ năm 1993, Hiệp bắt đầu gom chai rượu mẫu với mục đích làm thành một bộ sưu tập các chủng loại.
Bước vào nhà Hiệp, không ít người ngạc nhiên khi chứng kiến cả một không gian rượu được xếp đặt theo từng chủ đề, từng chủng loại và xuất xứ khác nhau (hơn 50 nước trên thế giới). Nếu dành thời gian để thưởng lãm từng chai, từng nhãn hiệu khác nhau và nghe Hiệp nói chuyện về rượu thì mất cả ngày vẫn không đủ.
Để có được bộ sưu tập ấn tượng này, Hiệp đã dày công săn lùng khắp nơi. Dòng rượu mẫu các nước nhập về Sài Gòn không nhiều và cũng không có chỗ bán, ngoại trừ cửa hàng miễn thuế sân bay. Mất cả vài năm, Hiệp cũng chỉ kiếm được khoảng 50 chai, chủ yếu là dòng Whisky, Gin, Vodka, Cognac Hennessy. Bao nhiêu đó chưa đủ tạo thành một bộ sưu tập, nhưng Hiệp có may mắn là tận dụng cơ hội từ những chuyến du lịch hoặc công tác ở nước ngoài, từ Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Mỹ, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Thuỵ Sĩ…
Không tìm được bạn ở Việt Nam có cùng sở thích sưu tầm rượu mẫu để trao đổi, Hiệp lên internet tìm dân sưu tập rượu quốc tế có tầm cỡ để làm quen, liên hệ. Khi có dịp đến nước bạn, Hiệp mang theo các chai rượu mẫu đặc sản Việt Nam như Lúa Mới, Nàng Hương, Nếp Mới… Nhờ vậy, Hiệp đã đổi được nhiều chai rượu độc đáo với các bạn Singapore. Hiệp nói vui: “Đó cũng là cách giới thiệu “nước mắt quê hương” của Việt Nam cho bạn bè quốc tế”.
Qua trao đổi thông tin trên mạng, Hiệp cho biết có một người Na Uy có hẳn một phòng trưng bày với hơn 4.000 chai rượu mẫu. Các nhà sưu tập khác ở Singapore, Thái, Hàn Quốc có số lượng chai cũng chỉ ngang bằng Hiệp. Trong bộ sưu tập của mình, Hiệp quý nhất chai cognac Louis XIII của hãng Remy Martin. Từ khi bắt đầu sưu tầm rượu mẫu, Hiệp đã chú ý đến nhãn hiệu này, nhưng phải mất 8 năm mới tìm được đúng một chai có kích thước chỉ bằng 3 ngón tay với giá hơn 3 triệu đồng. Chai rượu này được Hiệp “thỉnh” về từ Hàn Quốc. Cho đến nay, Hiệp vẫn chưa nhìn thấy chai mẫu Louis XIII thứ hai.
Rượu còn là văn hoá, Hiệp nói: “Để chơi, trước tiên phải hiểu về rượu. Một khi đã hiểu về nó, có kiến thức thì chơi mới thấy sướng!”. Rượu của mỗi vùng, mỗi quốc gia đều khác nhau, được chia thành từng loại riêng biệt như rượu mạnh, rượu vang, rượu khai vị, rượu mùi. Nhờ thâm niên làm quen với rượu, chỉ cần nhìn qua tem nhãn là Hiệp biết đó là loại rượu gì, xuất xứ, mùi vị, quy trình sản xuất, cách chưng cất ra sao...
Chỉ đơn thuần là chai rượu, nhưng nhà sản xuất lại trình bày dưới nhiều kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc, chất liệu khác nhau. Có chai hình bóng đèn tròn, đinh vít, nhạc cụ, xe hơi, xe môtô, lâu đài cổ, thuyền buồm, bộ gậy đánh golf, banh golf, xí ngầu, lá bài… Các loại xe cổ Traction của Pháp, lâu đài cổ ở Italy, những nhân vật nổi tiếng như Van Gogh, Napoleon, Washington, thần Vệ nữ, những cuốn sách in tranh của Van Gogh, Leonardo da Vinci, vua và hoàng hậu Tây Ban Nha… đều được “lên chai”.
Trong bộ sưu tập của Hiệp, có đến hơn 1.000 mẫu chai khác nhau. Nếu phương Tây tạo dáng cho chai là những biểu trưng của quốc gia và đồ vật hiện đại, thì phương Đông lại thích “nhân cách hoá” chai rượu bằng những nhân vật truyền thuyết hoặc lịch sử, chẳng hạn bộ thầy trò Đường Tăng, các vị thần, tứ đại mỹ nhân, các vị la hán…
Trong tủ rượu mẫu của Hiệp có bộ sưu tập Tequila, mỗi chai rượu mẫu ngâm những con sâu to gần bằng ngón tay út, nhìn khá lạ mắt và ấn tượng. Các loại rượu ngâm trái cây rất phong phú và được chia thành từng nhóm chủ đề khác nhau. Như bộ Christian Di Marco của Italy với 13 chai, ngâm 13 loại trái cây khác nhau, cho ra 13 loại rượu có màu sắc, mùi vị khác nhau. Bộ rượu mùi Marie Brizard nổi tiếng của Pháp với 24 chai đủ màu sắc và hương vị khác nhau. Có những chai rượu quấn vào nhau như cặp bình sinh đôi, có chai lại có cả nhiệt kế trên đó.
Đối với dân sưu tập nói chung, đẳng cấp chính là độ tuổi và tính quý hiếm của sản phẩm. Trong bộ sưu tập rượu mẫu của Hiệp có những chai “lớn tuổi” như chai vang đỏ của hãng C.V.B Barfede (Italy) đựng trong chiếc xe hơi Cadillac sản xuất từ năm 1913. Độc đáo hơn nữa là hai chai Jack Daniels và Captain Morgan có kích cỡ nhỏ hơn đầu chiếc đũa ăn cơm, với phần cổ chai nhỉnh hơn chiếc kim may và chiều cao hơn đồng xu 2.000 chỉ vài milimét… Riêng bộ sưu tập Camus hình quyển sách có mạ vàng được Hiệp mua gom ở nhiều cửa hàng với giá 50 USD/chai.
Sở hữu ngần ấy rượu mẫu, nhưng Hiệp vẫn chưa chịu dừng lại. Chàng trai vui tính đã có vợ và con trai 3 tuổi này giải thích: “Hễ thấy mẫu chai mới lạ là mình mua ngay, bởi kinh nghiệm đi sưu tầm ở nước ngoài cho biết, nếu mình chần chừ không mua thì y như rằng sẽ không bao giờ tìm thấy chai mẫu đó lần thứ hai”.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)